Đẩy mạnh bán hàng về nông thôn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Dự báo sức mua không tăng đột biến tại thành phố, hầu hết các doanh nghiệp đều có chung một kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm về chợ truyền thống và vùng sâu vùng xa, thị trường nông thôn bằng các chuyến hàng lưu động.

Đẩy mạnh bán hàng về nông thôn
Ảnh minh hơn. Nguồn: internet
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Mùi. Lúc này, hàng hóa bán Tết tại TP. Hồ Chí Minh đã tràn ngập chợ siêu thị, trung tâm mua sắm. Trong mấy tuần vừa qua, sức mua tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng nhẹ khoảng 25%. Theo tiểu thương kinh doanh tại các chợ, phải từ ngày 23 tháng Chạp, khi các gia đình làm lễ tiễn Ông Công Ông Táo về trời, thì người tiêu dùng mới bắt đầu mua sắm mạnh.

Tại ba chợ đầu mối lớn nhất thành phố là Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền, lượng hàng về chợ đang tăng từng ngày. Hiện nay, tại chợ Thủ Đức lượng rau củ, rau gia vị, trái cây về chợ đã tăng từ 10 - 15%/ngày, đạt mức 3.300 tấn/ngày. Chợ nông sản Hóc Môn là 2.300 tấn/ngày (tăng 25%).

Chợ đầu mối Bình Điền với đặc điểm phong phú chủng loại hàng hóa từ thủy hải sản tươi sống, thủy hải sản khô, thịt gia súc, gia cầm, rau quả, trái cây, hoa tươi… với lượng hàng về chợ đang tăng đến 30%/ngày đạt gần 3.000 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho rằng, nông sản thực phẩm tại chợ đủ cung ứng cho thị trường Tết với giá cả ổn định. Hai tuần tới là cao điểm bán hàng Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ sẽ tăng thêm từ 25 - 30%, đạt tới 3.500 - 3.600 tấn/đêm.

Hiện nay, tại ba chợ sỉ, giá nhiều mặt hàng ổn định không tăng như rau, thịt gia súc, gia cầm, trứng gà vịt. Một số loại tăng giá nhẹ từ 1.500 - 3.000 đồng/kg như thủy hải sản khô (tôm khô, cá khô, mực khô). Một số loại giảm giá nhẹ như bắp cải, cải thảo, khoai tây, cà rốt Đà Lạt.

Về phía các DN, trước sức mua tăng từng ngày, các phương án bán hàng cũng được triển khai. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó tổng giám đốc CTCP Kinh Đô nhận định, năm nay sức mua của thị trường tốt hơn mọi năm và việc kinh doanh tăng trưởng đều, chứ không chỉ vào đỉnh điểm trong những ngày cận Tết.

Đồng thời, nhu cầu mua sắm của các phân khúc khách hàng từ cao cấp, trung cấp đến phổ thông đều tăng. Trong đó, phân khúc phổ thông có mức độ tăng trưởng khá cao…

Cũng theo ông Luân, ưu điểm khiến bánh kẹo Kinh Đô tăng trưởng tốt dịp Tết là nhờ chiến lược phát triển thị trường hợp lý. Cụ thể, Kinh Đô tập trung bám sát thị trường ở từng khu vực, linh hoạt đáp ứng nhu cầu ở mọi phân khúc sản phẩm, tại mọi thời điểm.

Tính đến ngày 5/2 (tức 17 tháng Chạp), sản lượng bánh kẹo Kinh Đô đưa ra thị trường đã vượt 10% so với mức kế hoạch là 5.000 tấn. Dự kiến, tổng sản lượng bánh kẹo tiêu thụ trong mùa Tết Ất Mùi 2015 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ 2014.

Dự báo những ngày cận Tết, sản phẩm bánh, kẹo hộp thiếc truyền thống (Cosy hộp thiếc 700 gr, 400 gr và dòng sản phẩm cao cấp Korento) sẽ được tiêu thụ mạnh tại các vùng nông thôn, Kinh Đô đang gia tăng nguồn lực để đảm bảo tập trung tăng cường nhóm sản phẩm này, đảm bảo cung ứng đầy đủ và không để tình trạng thiếu hàng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà giỏ quà cần được cung ứng ra thị trường nhanh chóng để phục vụ nhu cầu biếu tặng của người dân trên toàn quốc.

Trong khi đó, đối với thực phẩm tươi sống và chế biến, đến thời điểm này sức mua trên thị trường cũng tăng, nhưng không tăng cao đột biến. Một số công ty thực phẩm lớn như Vissan cũng chỉ đặt mục tiêu tăng 10% tổng sản lượng hàng hóa Tết so với năm 2014. Theo dự báo của một số chuyên gia, sức mua năm nay sẽ khó có cảnh khan hàng, vì rất nhiều siêu thị lên kế hoạch mở cửa suốt mùa Tết.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, từ thị trường tiêu thụ năm nay không cao, công ty dự kiến tăng 20% lượng hàng bán Tết so với năm trước. Để đảm bảo nguồn hàng này, công ty vừa tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhà nông, vừa tăng đàn, mở rộng trang trại tại Kiên Giang, Bình Dương…

Từ dự báo sức mua không tăng đột biến tại thành phố, hầu hết các DN sản xuất, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đều có chung một kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm về chợ truyền thống và vùng sâu vùng xa, thị trường nông thôn nhiều tỉnh thành từ Tây Nguyên đến vùng miền Đông, Tây Nam bộ bằng các chuyến hàng lưu động.