Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế để tăng sức mạnh quốc gia

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Tình hình Biển Đông, việc hỗ trợ ngư dân, lao động việc làm, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ là những vấn đề lớn của đất nước được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời đại biểu Quốc hội trong chiều ngày 12/6.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế để tăng sức mạnh quốc gia
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội chiều 12/6. Nguồn: internet
Tại phiên chất vấn chiều ngày 12/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo bổ sung, làm rõ thêm những vấn đề mà quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Theo Phó Thủ tướng, trong tháng 5/2014, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, các chính sách an ninh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, văn hóa – thể thao, tài nguyên môi trường… được quan tâm thực hiện. Các giải pháp phòng chống dịch bệnh, khống chế dịch sởi, chân tay miệng; quốc phòng an ninh được tăng cường.

Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hòa bình, kiên quyết đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. "Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, để ổn định đất nước; thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nóng vấn đề phụ thuộc kinh tế Trung Quốc

Trả lời ĐB Nguyễn Bá Thuyền về vấn đề nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào người láng giềng to người nhưng xấu bụng. Những xung đột xảy ra đặt ra yêu cầu làm sao phải thoát bóng của người hàng xóm này, tránh lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào? Phó Thủ tướng cho rằng, giải pháp đặt ra lúc này là phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cấp nền kinh tế hiệu quả chất lượng. Thu hút đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để đủ sức hấp thụ sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội tại; mở rộng đa dạng hóa thị trường, phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong vấn đề thị trường, chúng ta cần giữ quan hệ làm ăn với Trung Quốc qua các hiệp định đa phương, song phương trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Liên quan đến vấn đề một số phần tử đã lợi dụng vụ giàn khoan để kích động gây rối, Phó Thủ tướng cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan đã gây bức xúc trong người dân, công nhân; gây mâu thuẫn giữa giới chủ và công nhân trong môi trường làm việc. Ngay khi sự việc xảy ra, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các ngành chức năng, địa phương lập lại trật tự nhanh chóng, tạm giữ hành chính gần 2.000 người, khởi tố 244 vụ và hơn 500 bị can; tiến hành nhiều giải pháp kịp thời, đồng bộ hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ngay lúc đó, 90% doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất và cách đây vài ngày tại Bình Dương, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường. Đặc biệt, các nhà đầu tư đã tỏ ra yên tâm làm ăn ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư, công nhân của Đài Loan, Trung Quốc đã quay lại làm việc ở Việt Nam.

Về câu hỏi của ĐB Trần Hoàn Ngân: Chính phủ đã và sẽ làm gì để nắm bắt cơ hội này, để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam là điểm đến, khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn?  Phó Thủ tướng khẳng định: Cả thế giới, kể cả các tổ chức, chính phủ đã rất ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vì chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Chúng ta cũng đã đấu tranh hòa bình. Việt Nam sẽ làm hết sức mình giữ mối quan hệ hòa bình, tôn trọng nhau để phát triển. Chúng ta cũng chủ động xây dựng, phát triển đất nước để bảo vệ Tổ quốc, giữ lại niềm tin ở lĩnh vực đầu tư và du lịch. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, mở rộng thị trường; hòa thiện thể chế kinh tế thị trường; tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Liên quan đến câu hỏi chất vấn về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã có một số biện pháp ngăn chặn nhưng trên thực tế, hoạt động này còn diễn ra nghiêm trọng. Chủ trương của Chính phủ là ngăn chặn, đẩy lùi quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Giải pháp trước hết là kiện toàn bộ máy của lực lượng chống buôn lậu; đấu tranh xử lý nghiêm một số vụ nghiêm trọng…

Tăng cường tuyên truyền, phòng chống tham nhũng

Trả lời chất vấn của ĐB Lê Như Tiến liên quan đến hai vấn đề tội phạm chưa được chặn đứng, tham nhũng chưa bị đẩy lùi đang là vấn đề bức xúc, gây tâm trạng lo ngại, lo lắng, bất an, bất ổn, bức bối trong nhân dân. Là người được giao trách nhiệm chỉ đạo những lĩnh vực nóng. Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua đã phát hiện, xét xử điều tra nhiều vụ án tham nhũng lớn, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn, còn nhiều phức tạp, thách thức.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của ban chỉ đạo 138 là giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, nắm tình hình, điều tra cơ bản ở địa bàn. Giải pháp khác Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra là tăng cường biện pháp là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật; củng cố lực lượng trực tiếp chống tham nhũng; tổ chức tốt các hình thức tiếp nhận thông tin; thường xuyên kiểm tra đánh giá những lĩnh vực nhạy cảm; xác định trách nhiệm của người đứng đầu…

Phó Thủ tướng cũng nêu quyết tâm xây dựng một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế răn đe để không dám tham nhũng và cơ chế đãi ngộ xứng đáng để không cần tham nhũng.

Tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng yếu

Liên quan đến ý kiến tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và việc có chuyển tiền sang hỗ trợ ngư dân của đại biểu Trần Du Lịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý, tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng yếu được giao chứ không chỉ vì sự kiện Trung Quốc xâm lấn trên Biển Đông mới đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay cần đẩy nhanh tái cơ cấu ở tất cả các cấp độ, quốc gia, vùng, doanh nghiệp, sản phẩm. Tái cơ cấu đụng chạm đến lợi ích của nhiều người nên có thể bị phản ứng, phải quyết tâm vì việc này mang lại lợi ích toàn diện cho nền kinh tế. Vấn đề cơ bản nhất là tháo gỡ về thể chế và nguồn nhân lực.
 
Phó Thủ tướng cũng nhắc việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phần thu lại từ cổ phần hóa, ông Phúc tiếp thu ý kiến đại biểu để báo cáo sao cho việc sử dụng nguồn tiền này hiệu quả nhất.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Huỳnh Nghĩa về tiến độ thực hiện các dự án, công trình quan trọng do Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết Bộ đã và đang thực hiện quyết liệt trên tinh thần hoàn thành nhưng bảo đảm chất lượng an toàn giao thông. 

Với câu hỏi, Chính phủ có biện pháp gì đột phá hơn để thoát dần sự lệ thuộc vào thị trường nguyên vật liệu của Trung Quốc đối với một loạt các ngành, Phó Thủ tướng khẳng định: Đây là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao và đã có những bước tiến bộ đúng mực. Trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở tất cả các cấp độ; tháo gỡ trở ngại lớn nhất là thể chế và nguồn nhân lực; chú ý khắc phục mặt trái của nền kinh tế thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thu hút. Tái cơ cấu phải gắn với hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, chú ý vấn đề thị trường, chú ý phát triển công nghệ…