Đẩy mạnh tăng trưởng: Nhìn từ đầu tư

Theo Chinhphu.vn

Lạm phát đã bước đầu được kiềm chế. Đã có kiến nghị về việc chuyển sang thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để tăng trưởng kinh tế, ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ, giảm tồn kho, thì việc phục hồi đầu tư là rất quan trọng, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế.

Vốn đầu tư có từ nhiều nguồn. Căn cứ từ nguồn thông tin của 5 tháng đầu năm 2013, có thể nhìn nhận vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có những nét đáng chú ý.

Vốn đầu tư từ ngân sách

Mặc dù còn giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng lượng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đã có xu hướng cao lên qua các tháng (tháng 1 đạt 12 nghìn tỷ đồng, tháng 2 đạt 9,12 nghìn tỷ đồng (để hạn chế ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, nên cần tính chung tháng 1 và 2, ước đạt 10,56 nghìn tỷ đồng/tháng), tháng 3 đạt 14,73 nghìn tỷ đồng, tháng 4 đạt gần 15,8 nghìn tỷ đồng, ước tháng 5 đạt gần 17,43 nghìn tỷ đồng.

Nguồn địa phương đã tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có nhiều địa phương tăng khá hoặc những địa phương có kế hoạch vốn lớn đã tăng lên (như Lai Châu tăng 84,7%, An Giang tăng 26,8%, Lào Cai tăng 20,4%, Hà Nội tăng 17,9%, Vĩnh Phúc tăng 17%, Lâm Đồng tăng 16,8%, Phú Thọ tăng 11,4%, Kiên Giang tăng 10,3%, Bạc Liêu tăng 9,3%, Hậu Giang tăng 7%, Bình Dương tăng 6,1%, TP Hồ Chí Minh tăng 5,5%, Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 3,9%, Đồng Nai tăng 3,8%. Một số địa phương thực hiện 5 tháng đã đạt trên 50% kế hoạch cả năm, như Hậu Giang đạt 62,2%, Nghệ An đạt 59,3%, Bạc Liêu đạt 57,9%, Lào Cai đạt 55%, Lai Châu đạt 54,5%, Cần Thơ đạt 53,8%, Vĩnh Phúc đạt 52,4%...).


Đẩy mạnh tăng trưởng: Nhìn từ đầu tư - Ảnh 1
Vốn đầu tư từ ngân sách và FDI so cùng kỳ (%). Nguồn: TCTK

Tuy nhiên, về nguồn vốn này cũng có một số vấn đề đáng lưu ý. Tỷ lệ thực hiện 5 tháng so với kế hoạch cả năm còn thấp (34,5%), trong đó của Trung ương quản lý còn thấp hơn và thấp hơn của địa phương quản lý (32,4% so với 35,1%). Một số Bộ, ngành, địa phương tỷ lệ đạt còn thấp hơn tỷ lệ chung. Bộ GTVT là Bộ có kế hoạch vốn lớn, cũng mới đạt 33,3% kế hoạch năm; một số Bộ, ngành còn đạt thấp hơn, như Bộ Xây dựng 29,7%, Bộ NNPTNT 30,9%, Bộ Y tế 31,2%...

Hà Nội có kế hoạch vốn lớn nhất nước mới đạt 26,7%, Bình Dương 26,3%, Đà Nẵng 28,6%, Hà Tĩnh 29%, Khánh Hoà 29,7%, Đồng Nai 29,8%, Bà Rịa- Vũng Tàu 31%, TP Hồ Chí Minh 31,4%, Điện Biên 33,3%, Quảng Ninh 33,8%...

Vốn đầu tư nước ngoài

Nhìn khái quát, nguồn vốn FDI trong 5 tháng đạt được kết quả tích cực, có xu hướng phục hồi. Kết quả tích cực được thể hiện ở một số điểm.

Tổng số vốn đăng ký đạt 8,51 tỷ USD, tăng 8,9%, trong đó số đăng ký của các dự án mới được cấp phép đạt 5,09 tỷ USD, tăng 5,8%; số đăng ký bổ sung của các dự án được cấp phép từ các năm trước đạt 3,42%, tăng 14%.

Đây là kết quả đáng khích lệ, nhất là các dự án đã hoạt động tại Việt Nam đã tin tưởng vào triển vọng đầu tư, nên đã xin tăng vốn để đón đầu cơ hội phục hồi. Lượng vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đầu tư bình quân 1 dự án mới cũng cao hơn cùng kỳ năm 2012 (12,8 triệu USD so với 9,9 triệu USD), trong đó có một số dự án có quy mô vốn khá lớn ở Thái Nguyên, Bình Định, Vĩnh Phúc, Bình Dương.

Cơ cấu vốn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực cả về đối tác, cả về địa bàn, cả về ngành đầu tư.

Các đối tác đầu tư lớn trong 5 tháng năm 2013 là Singapore 2.313,8 triệu USD, LB Nga 1.015,2 triệu USD, Nhật Bản 707 triệu USD, Thái Lan 298,4 triệu USD, Đài Loan 191,6 triệu USD, Hàn Quốc 158,7 triệu USD…

Theo địa bàn, trong 5 tháng qua, Thanh Hoá đứng đầu với 2,8 tỷ USD, tiếp đến là Thái Nguyên 2,02 tỷ USD, Bình Định 1,01 tỷ USD, Bình Dương 451,2 triệu USD, Đồng Nai 282,8 triệu USD, Vĩnh Phúc 256 triệu USD, TP Hồ Chí Minh 164,9 triệu USD, Bắc Ninh 136,2 triệu USD, Hải Phòng 125,4 triệu USD,…

Theo ngành, trong 5 tháng đã tập trung chủ yếu cho công nghiệp chế biến (chiếm 89,2%), tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản (chiếm 4,5%) và các ngành còn lại chiếm 6,3%.

Một số thông tin khác cũng cho biết, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân ước đạt 1,5 tỷ USD, đạt 31,3% kế hoạch năm; nguồn vốn ngoài nhà nước cũng có dấu hiệu phục  hồi qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã trở lại…