Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Báo cáo Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg và triển khai Luật đầu tư công.

Đồng thời tiến hành rà soát các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển và các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh để tập trung đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội. Bảo đảm các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư và chủ đầu tư.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy và tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, đã quy định rõ việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc đổi mới tổ chức quản lý và giám sát tại doanh nghiệp nhà nước. Đã phê duyệt và triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu và điều lệ tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt. Giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối. Kiện toàn cán bộ lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như đã báo cáo Quốc hội để thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt là tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp và hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích từ nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ nông sản với các hình thức hợp tác, liên kết phù hợp. Có chính sách thu hút mạnh đầu tư sản xuất công nghiệp và dịch vụ ở địa bàn nông thôn, thu hút và giảm nhanh lao động từ nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 và Nghị quyết của Quốc hội, ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2009 - 2013 khoảng 750 nghìn tỷ đồng; trong đó Nhà nước đã đầu tư trên 520 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tăng hơn 2,6 lần so với 5 năm trước, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra là tăng 2 lần (giai đoạn 2004 - 2008 đầu tư trên 198 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ).

Dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 10/2013 khoảng gần 800 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2,6 lần so với năm 2008. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước còn chi thêm 7 - 8 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

“Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định trước Quốc hội.