Đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử

Theo Tuyết Anh/thoibaonganhang.vn

Với mức tăng trưởng 25-27%/năm, TMĐT Việt Nam hấp dẫn các ông lớn nước ngoài

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Nguyễn Văn Ba, nhà sáng lập của Babu Handmade là một trong những DN Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên Amazon chia sẻ rằng bán hàng trên trang thương mại điện tử (TMĐT) này không khó như mọi người nghĩ, đặc biệt DN có thể nhận được sự hỗ trợ từ Amazon ở nhiều khía cạnh để từ đó sớm gặt hái được kết quả từ việc gia tăng đáng kể lượng đơn hàng.

Tương tự, giám đốc một DN bán hàng may mặc tại TP. HCM hiện đang tham gia vào hệ thống bán hàng trên những trang mạng của một số “ông lớn” ngành TMĐT trên thế giới cho biết thêm, khi bán hàng trên những trang mạng nổi tiếng như Amazon hay Alibaba, DN Việt có cơ hội tiếp cận số lượng khách hàng cá nhân lớn trên toàn cầu với chi phí hợp lý, từ đó giúp gia tăng doanh số đáng kể.

Vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) và Amazon Global Selling đã giới thiệu chi tiết những kế hoạch đầu tiên nhằm hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam phát triển kinh doanh trên toàn cầu và xây dựng thương hiệu quốc tế. Mục tiêu của chương trình là giúp những DNNVV tiềm năng nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua bán hàng trên mô hình TMĐT toàn cầu của Amazon. Bên cạnh đó, một loạt chương trình đào tạo khác cũng sẽ được triển khai trên toàn quốc nhằm trang bị cho các DNNVV tại Việt Nam những kiến thức nền tảng để có thể xuất khẩu thành công sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.

Ông Bernard Tay, Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á cho biết, khi internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến các DNNVV ứng dụng TMĐT ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, một số hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm vẫn còn tồn tại đã và đang cản bước nhiều DN Việt vươn ra thị trường thế giới. “Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các DN Việt Nam khắc phục một số điểm hạn chế hiện có và mở ra cơ hội tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng của Amazon tại 185 quốc gia và khu vực trên thế giới”, ông nói.

Trước đó, một “ông lớn” khác cũng trong lĩnh vực TMĐT là Alibaba đã có những động thái hỗ trợ DN Việt Nam tham gia bán hàng trên trang TMĐT của DN này. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1.000 DN Việt chấp nhận trả khoản phí 30-135 triệu đồng/năm để có vị trí thành viên Gold Supplier trên Alibaba. Thông thường, các DN tham gia chương trình hỗ trợ của các “ông lớn” ngành TMĐT thế giới sẽ nhận được những buổi tập huấn kỹ năng bán hàng trực tiếp hoặc online, hỗ trợ và tư vấn chuyên sâu cũng như giá chiết khấu với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương trong toàn bộ quá trình bán hàng. Bên cạnh đó, DN còn có cơ hội tập trung vào việc phát triển thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam trong môi trường TMĐT. Thông qua đó, sẽ mở ra cơ hội cho các DNNVV tại Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra toàn cầu, đặc biệt đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng… mà DN Việt có thế mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, hiện nay dù cơ quan chức năng và các sàn TMĐT lớn đang nỗ lực kéo các DN và cá nhân kinh doanh tham gia hình thức xuất khẩu hàng hóa này, nhưng mới có 1.000 DN tham gia trên Alibaba và khoảng 200 DN tham gia trên Amazon, vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động trong đó 98% là DNNVV.

Theo số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số, đến nay mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Và trong vòng 5 năm qua số DN sở hữu website TMĐT lại có chiều hướng giảm nhẹ. Lý do việc đầu tư làm website không khó, chi phí lại rẻ, nhưng để duy trì hoạt động hiệu quả, thường xuyên và lâu dài cần sự đầu tư thích đáng và phải có tương tác tốt với người dùng.

“Thực tế trên cho thấy sự chủ động và thay đổi tư duy là hết sức quan trọng để các DN xuất khẩu có thể gia tăng doanh số thông qua các trang mạng bán hàng của nước ngoài. Quan trọng nhất các DN phải chủ động nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn từ đó dần cải thiện kỹ năng bán hàng qua TMĐT. Mấu chốt của việc DN chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu qua TMĐT là do kỹ năng còn hạn chế… Nếu không dần vượt qua các rào cản này, DN Việt sẽ bỏ qua những cơ hội cực lớn”, ông Phú nhấn mạnh.