Đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Trang Trần

(Tài chính) Ngay sau Hội nghị giao ban, đánh giá tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngày 6/8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra kết luận đánh giá về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, đồng thời đưa ra những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2014 - 2015.

Đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015. Nguồn: internet
Đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015. Nguồn: internet

Ghi nhận những nỗ lực

Đánh giá về quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 7 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; Trực tiếp làm việc với nhiều Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Công phu chuẩn bị báo cáo chất lượng, tổng quát về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ đầu năm đến nay; Đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tế cho các tháng cuối năm 2014 và năm 2015.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đạt kết quả tích cực, nhận thức về vai trò và sự cần thiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thống nhất và nâng cao hơn. Các cơ chế chính sách quan trọng cơ bản được ban hành, tương đối đồng bộ, tạo khung pháp lý cho việc triển khai.

Những nỗ lực trên được ghi nhận với kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu năm 2014 đến nay đã có chuyển biến mạnh so với các năm gần đây, cụ thể: đã sắp xếp 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 55 doanh nghiệp. Trong tổng số 432 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 - 2015, đã có 348 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 88 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.

Những kết quả bước đầu như trên sẽ tạo tiền đề để 2 năm 2014 – 2015 hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa được số lượng doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thêm vào đó, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đạt được kết quả thực tế nổi rõ, nhiều kinh nghiệm phong phú về chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý khó khăn, vướng mắc có thể áp dụng chung.

Tuy nhiên, một số Bộ, tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty dù tích cực triển khai nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số tiền thu được từ thoái vốn nhà nước gấp 3 lần so với cả năm 2013 và đều trên mệnh giá, nhưng vẫn còn chậm. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, tồn tại này là do tình hình kinh tế còn khó khăn, thị trường chứng khoán chưa hồi phục mạnh; một số cơ chế, chính sách quan trọng chưa được ban hành kịp thời; nhiều nơi chưa quyết liệt, chưa có biện pháp khả thi và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc...

Tập trung thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2014-2015

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, đồng thời đẩy nhanh quá trình này đến hết năm 2014 và năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung thực hiện đồng bộ những nội dung, công việc trọng tâm như:

Thứ nhất, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt, vượt mức kế hoạch năm 2014, đồng thời với tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện, từ mô hình tổ chức, quản lý, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư, nguồn nhân lực, thị trường....Đặc biệt quan tâm việc tạo ra sản phẩm mới, tăng năng suất lao động, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các năm 2014 - 2015. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành.

Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; có biện pháp phù hợp để khắc phục góp phần hoàn thành mục tiêu chung.

Thứ ba, về cơ chế, chính sách, phải hoàn thành các Đề án còn lại theo Chương trình công tác của Chính phủ, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Thứ tư, các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ và khẩn trương nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Để gắn chặt quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, cần quy định cụ thể về thời gian thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của từng doanh nghiệp. Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải được tiến hành chặt chẽ, có kế hoạch, theo lộ trình, bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thứ năm, các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và lộ trình triển khai, trong Quý III/2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Đối với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích như môi trường đô thị, cấp, thoát nước, nếu các nhà đầu tư trong nước có nhu cầu nắm giữ đa số vốn điều lệ thì khuyến khích, với điều kiện doanh nghiệp cam kết cung cấp tốt các dịch vụ công ích này cho nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.