Đẩy nhanh tái cơ cấu để tăng trưởng bền vững hơn

Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn

Theo báo cáo “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 20/7, Việt Nam đã có mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua (6,28%). Tuy nhiên, việc có đạt được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn hay không còn tùy thuộc vào khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: mortgagebrokernews.ca
Ảnh minh họa. Nguồn: mortgagebrokernews.ca

Những tín hiệu tốt

Theo báo cáo được công bố 2 lần/năm của WB này, đây là tín hiệu khá tốt đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỉ giá để bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, ông Sebastian Eckardt cho rằng cân đối ngân sách của Việt Nam vẫn là điều cần lưu ý. Trong bối cảnh nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây, chi phí trả nợ có thể là gánh nặng cho ngân sách.

Ngoài ra, tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và một phần trong cải cách ngân hàng.

Chính phủ đã có những biện pháp cải cách tích cực, trong đó có việc ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai, minh bạch thông tin tài chính của DN có vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia WB này, tốc độ cơ cấu lại DNNN dường như đang chậm lại do khâu thực hiện chưa tuân thủ tốt khung pháp lý mới. Đến hết quý I mới cổ phần hóa được 29 DNNN so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị DNNN ban hành năm ngoái, và tăng tỉ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với DNNN cổ phẩn hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính.

Riêng về cải cách lĩnh vực ngân hàng, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho biết: Cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ sáp nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn.

Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu cùng với việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá việc NHNN điều chỉnh tỉ giá hối đoái thời gian vừa qua là dấu hiệu lành mạnh, phản ánh đúng tỉ lệ lạm phát của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng trong dài hạn, Việt Nam cần điều chỉnh linh hoạt hơn để bám sát sự biến động của thị trường.

Triển vọng tích cực trong ngắn hạn

Đánh giá về triển vọng ngắn hạn, ông Sebastian Eckardt cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhìn chung là tích cực. Các chỉ số dự báo tương lai cho thấy quá trình hồi phục sẽ vẫn đạt tiến độ.

Theo tính toán của HSBC, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên mốc 50 trong 22 tháng liên tiếp trong khi Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giữ ở mức 140,2 trong tháng 5, cao hơn mức trung bình 135 trong dài hạn.

Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ duy trì trong khoảng 6,0-6,2% trong năm 2015 trên cơ sở cầu trong nước sẽ tiếp đà phục hồi, tiêu dùng cá nhân gia tăng và đầu tư tiếp tục được cải thiện. Mặc dù chính sách tiền tệ đã được nới lỏng song kỳ vọng lạm phát vẫn giữ ở mức thấp do giá nhiên liệu và lương thực, thực phẩm toàn cầu thấp.

Thâm hụt tài khóa dự báo sẽ được điều chỉnh thông qua nỗ lực cắt giảm chi tiêu để tránh gia tăng hơn nữa nợ công. Cán cân thương mại sẽ bị thu hẹp đáng kể trong năm nay do giảm đà xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục gia tăng để đáp ứng các hoạt động kinh tế và nhu cầu đầu tư trong nước. Tuy nhiên, lượng kiều hối ổn định sẽ góp phần duy trì tài khoản vãng lai thặng dư nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Tuy nhiên, các dự báo ở kịch bản cơ sở trên sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố rủi ro, cả trong nước và bên ngoài.

Về bên ngoài, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất định. Sự phục hồi kinh tế thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam thông qua những mối liên kết thương mại lớn. Ngoài ra, giá gạo và các mặt hàng nông sản tiếp tục giảm có thể tác động tiêu cực tới thu nhập và tiêu dùng hộ gia đình nông thôn, theo đó gia tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Trong nước, một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn cùng với những biện pháp nghiêm túc nhằm củng cố tình hình tài chính của DNNN và khu vực ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp giảm áp lực lên tính bền vững của nợ công và gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân. Xét về mặt tăng trưởng, các thỏa thuận thương mại sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa và xúc tiến thương mại thông qua tiếp cận các thị trường lớn và giàu có hơn.

Đưa ra dự báo thận trọng, WB cho rằng trong tương lai, việc có đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn hay không tùy thuộc vào khả năng duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh cải cách cơ cấu ở Việt Nam.

“Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tiếp tục đẩy nhanh qua trình cơ cấu lại khu vực DNNN và cải cách khu vực ngân hàng, đặc biệt là xử lý nợ xấu”, chuyên gia WB đánh giá.

Báo cáo “Điểm lại” cũng có một chuyên mục về thị trường lao động tại Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết về sự dịch chuyển lớn trong bức tranh về việc làm trong vòng 25 năm qua. Báo cáo cũng nhận định rằng các quy định và thể chế về lao động có khả năng là một nhân tố quan trọng trong tăng trưởng tiền lương/tiền công ở khu vực tư nhân.