Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư

Theo Người Lao động

Dù tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm đã có một số dấu hiệu tích cực, như: sản xuất công nghiệp cải thiện, xuất khẩu tăng khá, dự trữ ngoại hối tăng… nhưng Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cảnh báo thị trường vẫn yếu, cần có các giải pháp tăng tổng cung, đồng thời vẫn phải cảnh giác lạm phát cao quay trở lại.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư
Công nhân ngành điện gia cố một đường dây hạ thế

Tổng cầu còn yếu

Dẫn lại báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ rõ tổng cung, tổng cầu yếu thể hiện ở sự giảm sút chỉ số PMI tháng 1/2013 ở mức 50,1 điểm, sang tháng 2 lại giảm xuống mức 48,3 điểm. Theo thông tin từ các doanh nghiệp được khảo sát, các điều kiện thị trường nhìn chung vẫn yếu, thể hiện ở việc giảm số lượng đơn đặt hàng cả trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp và tốc độ giảm ngày càng lớn.

Tổng cầu yếu còn thể hiện rõ ở tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 3,6% so với  cùng kỳ năm 2012 nhưng chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm ngày 1/2 vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, vốn đầu tư toàn xã hội tăng không đáng kể. Dư nợ tín dụng tính đến ngày 19/2 đã giảm 0,16% (tương đương khoảng 20.000 tỉ đồng vốn tín dụng ngân hàng so với cuối năm 2012). Tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước còn  khá chậm, 2 tháng chỉ giải ngân khoảng 20.000 tỉ đồng, tương đương 10,5% kế hoạch năm,  giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Trước tình trạng này, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ tổng cầu, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân trong 2 quý đầu năm.

Cảnh giác với lạm phát

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia , lạm phát 2 tháng đầu năm mặc dù cao so với mục tiêu lạm phát cả năm (6%-6,5%) nhưng không đáng ngại và khả năng thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn có cơ sở. Tuy nhiên, yếu tố tiền tệ đang tạo nên những áp lực nhất  định đến lạm phát vì việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm 2012. Lạm phát cơ bản sau khi duy trì ổn định quanh mức 8% từ tháng 5 đến tháng 8/2012 đã tăng lên mức 10% từ tháng 9 đến tháng 11/2012 và duy trì ở mức 12%  từ tháng 12/2012 cho đến nay. Vì vậy, việc thực hiện các kế hoạch giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và quá trình xử lý nợ xấu cũng cần tính đến lượng tiền ra lưu thông để không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu lạm phát của cả năm 2013.

Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hình thành một “gói bình ổn giá”, trong đó bao gồm lộ  trình tăng  giá: xăng, dầu, điện, dịch vụ công… nhằm phân bổ hợp lý hơn  việc tăng giá (nếu cần thiết), theo phương thức tăng giá chia đều cho  các  tháng, tránh tập trung vào các  tháng có CPI tăng cao theo tính chất mùa vụ hoặc vào thời điểm nhạy cảm, làm gia tăng lạm phát kỳ vọng.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu VNĐ giảm giá 3% sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0,3% - 0,4%. Trong khi đó, nếu giá điện tăng 10% thì CPI tăng thêm 0,4% và giá xăng khoảng 5% thì CPI tăng thêm 0,1%-0,15%. Như vậy, chỉ tính riêng 3 yếu tố này nếu được điều  chỉnh vào  cùng  thời  điểm  sẽ góp phần làm CPI tăng khoảng 0,8% - 1%. Việc  điều chỉnh tỉ giá cũng như giá điện, nước, dịch  vụ công… cần thận trọng, vì nó tuy ảnh hưởng định lượng đến lạm phát tổng thể là không lớn nhưng lại tác động lớn lạm phát kỳ vọng.