Để “chơi” được với Trung Quốc trên "sân" hội nhập

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông như hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam cần phải “thoát Trung”, nhưng nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7 lại khẳng định, điều này là rất khó trong một thế giới phẳng và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế quốc tế.

Để “chơi” được với Trung Quốc trên "sân" hội nhập
Các chuyên gia kinh tế tại hội thảo. Nguồn: internet
Với Trung Quốc: "Việt Nam không thể không chơi"

TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ, trong quá trình đó, có nhiều biến số trong đó mức độ hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là rất quan trọng.

“Tự chủ theo nghĩa lớn thì ta hoàn toàn tự chủ, có thể đóng cửa, mở cửa. Nhưng một khi đã “chơi” bài toán hội nhập, thì quyền này đã bị thu hẹp, những gì đã cam kết thì phải làm. Hội nhập chắc chắn có rủi ro, nhưng rủi ro lớn nhất là không hội nhập, không hội nhập, thì không có nguồn lực để bảo vệ độc lập chủ quyền”, ông Thành nói.

Tình hình biển Đông hiện nay, theo ông Thành cũng là một dạng rủi ro, vì Trung Quốc đã là một mắt xích quan trọng của thế giới trong khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới.

Theo ông Thành, Trung Quốc hiện nay là một quốc gia đang trỗi dậy, một nền kinh tế lớn và hấp dẫn, đến mức “không thể không chơi”.

Đồng tình với quan điểm đó, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, Việt Nam “đang có và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc với tư cách nền kinh tế thứ hai và là công xưởng của thế giới”.

Vị nguyên Viện trưởng CIEM cũng chỉ ra rằng, vị trí của Việt Nam ở phía nam Trung Quốc cũng có thể coi là một lợi thế địa chính trị cần phải được tận dụng.

Nhưng đang có một cái gì đó không bình thường

Thế nhưng, khi đi sâu phân tích các số liệu kinh tế hiện nay, chuyên gia Phạm Chi Lan lo ngại rằng, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Việt Nam hiện nay quá sâu, nhưng lại “không bình thường”.

Trung Quốc còn "chơi xấu" Việt Nam về kinh tế với nhiều thủ đoạn: đối với nông dân thì thu mua các loại cây, con mang tính chất phá hoại, ví dụ như thu mua các loại rễ cây, xúi nông dân lấy ngọn, lá của các loại cây, làm ảnh hưởng rất nặng nề đến sự sinh trưởng của thực vật và chất lượng sản phẩm về lâu về dài. Hay việc thu mua đỉa tràn lan cũng gây hại cho nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng, Việt Nam vẫn "chơi thân" và phụ thuộc ngày càng lớn vào nền kinh tế của quốc gia láng giềng này.

Theo bà Lan, yếu tố chính trị hiện chi phối nhiều đến quyết định kinh tế, nhiều thương vụ lớn, hệ trọng được thực hiện trong bối cảnh lợi ích nhóm, nguy cơ tham nhũng vẫn còn hiển hiện.

Nhiều quyết định kinh tế hiện nay, theo bà Lan, là chưa theo quy trình ban hành chuẩn mực, trong khi những phức tạp, nguy hại về quản lý nhà nước, an ninh kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, thì khó lường hết được.

Đó là lý do chính khiến Việt Nam trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo phương thức hợp đồng tổng thầu EPC, với  23/24 nhà máy xi măng, 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng, cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới...

"Tình trạng này thực sự là thử thách lớn cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc trong quan hệ kinh tế trong thời gian tới, trong bối cảnh biển Đông đang căng thẳng hiện nay”, bà Lan cảnh báo.

Vậy phải “chơi” thế nào?

Để tham gia “cuộc chơi” một cách chủ động, rất cần có sự tự chủ kinh tế. Cũng cần thấy rõ rằng, tự chủ kinh tế ngày nay không có nghĩa là duy trì hoặc tăng tính tự cung tự cấp, mà ngược lại, mỗi quốc gia và doanh nghiệp cần tích cực vào tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Để “chơi” được với Trung Quốc cũng như các quốc gia khác, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam phải tối đa hóa độc lập, chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển. Việt Nam vẫn cần chủ động có những bước đi phù hợp để tránh được các rủi ro, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

“Đây là thời cơ của chúng ta đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng, gắn với những nền kinh tế tốt nhất để chúng ta học hỏi. Thứ hai là đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại đặc biệt là hiệp định Việt Nam - EU và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay hoặc năm sau. Bên cạnh đó, ngoài những cơ chế giám sát trong điều kiện bình thường, thì cần cơ chế phản ứng nhanh khi có những cú sốc, rủi ro xuất hiện, gắn với trách nhiệm hành động cương quyết và cách ứng xử nhanh chóng, có hiệu lực”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Điều đáng lo là, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các hợp đồng ngắn hạn. 97% hợp đồng thương mại với doanh nghiệp nước ngoài là ngắn hạn, dưới 1 năm, chỉ có 3% đến 3 năm, như nếu ngắn hạn, thì rất khó có mối quan hệ bền vững.

Đã vậy, “Việt Nam đang ngủ yên hoài trên đáy giá trị, không muốn thức dậy làm các khâu cao hơn”, chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ rõ.

Vì thế, mặc dù là nước xuất khẩu nông sản lớn, nhưng Việt Nam không có quyền quyết định về giá cả thị trường – kể cả gạo.

Để giải quyết vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Việt Nam buộc phải mạnh lên, cạnh tranh bằng các sản phẩm khác biệt sử dụng công nghệ cao. Theo đó, Việt Nam phải nâng cao năng lực, trí tuệ, phải tự quyết định nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, chủ quyền. Điều này phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế, năng lực và quyết tâm chính trị của chính chúng ta… Từ đó, mới giữ chữ tín và tạo niềm tin cho thế giới.

“Doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn, không làm ăn chụp giật, biết người, biết mình, quản trị doanh nghiệp hiện đại. Biết đứng trên vai những người khổng lồ, thu hút nhân tài. Về khoa học công nghệ, phải tiếp cận được vốn, tạo nên sự khác biệt với các đối thủ, không nên cạnh tranh chỉ bằng giảm giá. Cùng với đó, phải đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, tạo ra khả năng lựa chọn để không bị phụ thuộc”, vị chuyên gia này chỉ rõ.

Theo thống kê được công bố vào đầu  tháng 4/2014 của Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc bộ Công thương, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC.  Trong ngành xi măng, 24 dự án lớn do Trung Quốc làm tổng thầu.  Cả nước có hai dự án công nghiệp nhôm và bauxite và ba nhà máy tuyển than thì tất cả đều do nhà thầu Trung Quốc đảm trách

Tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng trong một báo cáo trước đây do Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội công bố cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia.