Để hi vọng không là thất vọng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến của ngư dân và các chuyên gia về chương trình đóng tàu cá vỏ thép đang triển khai khá nhanh, sau khi Quốc Hội đồng ý thông qua gói tín dụng trị giá 10.000 tỷ đồng. Vấn đề là, nên tập hợp ý kiến đóng góp của ngư dân và chuyên gia trước khi thiết kế, đóng mới tàu vỏ thép hay là chờ sau đó, khi các khiếm khuyết vận hành đã lộ rõ?

Để hi vọng không là thất vọng
Tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01. Nguồn: internet

Cách đây chừng 5 - 7 năm, rất nhiều người của Vinashin dùng từ “tàu chuột” một cách đầy coi thường để chỉ những con tàu trọng tải dưới 5.000 tấn không do Vinashin đóng mới. Thời điểm ấy, hàng chục nhà máy đóng tàu của Vinashin chỉ nhận đóng tàu trọng tải trên 6.500 tấn, hoặc đóng tàu kỹ thuật cao theo đặt hàng của nước ngoài. Tàu cá vỏ thép vươn khơi xa không nằm trong tư duy của người Vinashin, cũng như không nằm trong tư duy của bất kỳ lãnh đạo ngành nào.

“Tàu chuột” thành hi vọng

Cho đến những tháng cuối năm 2013, khi sự hung hãn trên biển của tàu Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam ngày càng lên cao và yêu cầu bảo đảm an toàn cho ngư dân bám biển dài ngày đã trở nên bức thiết thì vấn đề đóng tàu cá vỏ thép mới được khơi lại. Chương trình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép đã được khởi động, trên cơ sở thiết kế của một cơ quan trước đây thuộc Vinashin và việc đóng mới cũng được giao cho Vinashin (nay là SBIC). Đó dường như là một quyết định quá tốt cho SBIC khi vẫn đang ngập trong khó khăn. 10.000 tỷ đồng từ chương trình đóng tàu cá vỏ thép là hy vọng lớn nhất để SBIC vượt qua khó khăn, đói việc.

Nhưng thực tế là, suốt nhiều năm, SBIC đã bỏ quên kinh nghiệm đóng tàu cá vỏ thép, lại càng xa rời thực tiễn đánh bắt xa bờ của ngư dân. Sự xa rời ấy đã được chỉ ra, ngay sau khi con tàu cá vỏ thép đầu tiên được hạ thủy. Theo ý kiến của nhiều ngư dân, con tàu có phần cabin quá cao, không có lợi cho chống chịu sóng gió, tổ chức đánh cá, đồng thời cũng không được thiết kế cho nhiệm vụ đánh cá chuyên biệt như câu cá ngừ, hay lưới rê… Và, tuy có động cơ rất khỏe so với trọng tải, nhưng tàu chỉ có một động cơ nên vừa tốn nhiên liệu, vừa gia tăng rủi ro khi hành nghề trên biển… Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) khi trả lời lời phỏng vấn của báo chí đã cho biết: “Cabin cao quá, không thể chịu được sức gió, làm khổ anh em khi tiến hành đánh bắt trên biển”. Theo đó, cabin quá cao sẽ khiến tàu “không thể hoạt động khai thác do có thể gây đứt lưới khi gió lùa ở cấp 7 - 8 trở lên”.

Trên thực tế, ngay từ hình dáng, tàu đánh cá vỏ thép do SBIC đóng mới chỉ như một tàu chở hàng rời thu nhỏ, có gia cường thêm để hoạt động đánh cá. Và cách mà SBIC đóng mới con tàu đầu tiên có thể làm cho nhiều người nghi ngờ khả năng của SBIC trong chương trình tàu cá vỏ thép. Trong khi công nghệ đóng tàu theo modun đã phổ biến trên thế giới, thì SBIC lại áp dụng công nghệ cũ từ hàng chục năm trước để thi công các tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Theo đó, tàu được dựng sống, rồi đến “xương” trên bãi đóng, sau đó công nhân hàn từng tấm tôn lên xương tàu để dần định hình thân… Công nghệ đóng mới này sẽ kéo dài thời gian thi công tàu, đồng thời cũng khó bảo đảm chất lượng.

Dù chương trình đóng tàu cá vỏ thép mới được khởi động không có nhiều thông tin nhưng thực tế là tại Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 của Việt Nam đã có nội dung đề cập tới việc gia tăng giá trị cho đội tàu cá quốc gia. Theo đó, chiến lược này xác định cũng với việc phát triển đội tàu đánh cá thì sẽ hình thành các đoàn tàu công ích hoạt động trên bốn ngư trường trọng điểm bao gồm: Vịnh Bắc bộ, biển Đông, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Mục đích là để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) khai thác thủy sản sản xuất hiệu quả.

Lo lắng còn nguyên

Như vậy, trong hình dung của các nhà hoạch định chiến lược phát triển, đội tàu cá của Việt Nam sẽ vận hành theo 2 mô hình chính, gồm tổ hợp tác hoặc HTX trực tiếp khai thác thủy sản và đội tàu công ích có nhiệm vụ hỗ trợ đánh bắt. Việc bảo vệ cho 2 đội tàu này là nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Cùng với các tàu hậu cần của các doanh nghiệp, cá nhân, đội tàu công ích hoạt động trên biển sẽ là thành phần chủ lực gia tăng hơn nữa hiệu quả đánh bắt của ngư dân, định hình thị trường dịch vụ nghề cá và dịch vụ khai thác trên biển…

Ít ra, ngư dân có thể… tưởng tượng một tương lai tươi sáng hơn với nghề nghiệp lắm rủi ro, nhiều nguy hiểm của mình, khi được hỗ trợ bởi đội tàu hậu cần và đội tàu dịch vụ công ích, được bảo vệ bởi đội tàu thực thi pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thì những lo lắng khi hoạt động trên biển của ngư dân vẫn còn nguyên.

Hôm 3/6/2014, tàu đầu tiên đóng mới trong Chương trình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép mang tên Hoàng Anh 01 đã trở về cảng cá Nha Trang, sau hơn 10 ngày đánh bắt trên biển (ra khơi ngày 23/5). Chủ tàu và doanh nghiệp đóng mới đánh giá chuyến đi biển là an toàn và đạt kết quả tốt, tàu vận hành ổn định…

Tuy nhiên, vì sao con tàu chỉ ở trên biển có 10 ngày - thấp hơn cả thời gian đi biển của 1 tàu vỏ gỗ - lại là chuyện ít người chú ý. Thực tế, tàu Hoàng Anh 01 đã về bờ để bán sản phẩm được đánh bắt, sau đó là chờ thời tiết êm ả hơn để ra khơi. Cả 2 chi tiết ấy đều cho thấy tàu vẫn đang vận hành trong tình thế thiếu hỗ trợ về dịch vụ hậu cần ngay trên biển và khả năng chịu gió bão là chưa rõ ràng. Hoàng Anh 01 cũng chỉ là tàu đầu tiên trong seri 22 tàu cá vỏ thép đóng mới thí điểm của tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi hoàn thành đóng mới 22 chiếc tàu này, chương trình thí điểm sẽ được tổng kết, trước khi được nhân rộng ra28 tỉnh thành ven biển cả nước. Thực tế, hiện mới chỉ có không quá 4 con tàu loại này được hạ thủy, đi vào khai thác. Nói cách khác, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đóng mới đã mất hơn nửa năm mà chưa thể hoàn thiện việc đóng 4 con tàu vỏ thép trọng tải không quá 150 tấn/chiếc, tức là trọng tải còn nhỏ hơn những loại sà lan nhỏ nhất mà họ đã từng đóng.

Trong tình thế ấy, vẫn còn nhiều băn khoăn cho chương trình đóng tàu cá vỏ thép: chương trình đang vận hành quá chậm, với các thiết kế chưa rõ ràng...