Đề phòng các áp lực lên CPI

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Kiểm soát tốt những mặt hàng gây tăng giá là nhân tố quan trọng giữ mặt bằng ổn định cho thị trường trong nước năm 2012.

Đề phòng các áp lực lên CPI
Kiểm soát các mặt hàng thiết yếu góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát mức thấp trong năm 2012
Nhìn lại thị trường 2012

Nhìn chung, thị trường hàng hóa năm 2012 khá ảm đạm với sức mua yếu và tồn kho cao. Giá cả hàng hóa năm 2012 chịu tác động lớn của việc thực hiện lộ trình thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng như giá điện (tăng 2 lần: tháng 7 và tháng 12), giá bán than (lần 1: 10-12%, lần 2: 28-40%) và tăng lương cơ bản.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố làm tăng giá, việc sức mua thấp đã giữ giá không tăng theo kiểu “tát nước theo mưa” như những đợt tăng giá xăng dầu, lương cơ bản và giá điện trước đây. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2012 chỉ tăng khoảng 16% và nếu loại trừ yếu tố tăng giá, chỉ còn tăng 6%.

Ngoài ra, sức mua yếu và tồn kho cao nên khó có thể tăng giá hàng hóa dù chi phí đầu vào tăng cao (do lãi suất, nhiên liệu, nhân công). Năm 2012, nhóm hàng có biến động lớn chủ yếu là nhiên liệu (xăng dầu, gas), do chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá thế giới.

Giá xăng đã tăng 6 lần và giảm 6 lần nhưng tính cả năm vẫn cao hơn cuối năm 2011 khoảng 0,8 - 3% (tùy loại). Giá gas có 9 lần tăng và 7 lần giảm nhưng tính chung cao hơn cuối năm 2011 khoảng 7 - 8%.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, khi giá điện, xăng dầu, lương cơ bản… tăng, giá các mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm sẽ tăng mạnh nhưng năm nay hầu như không tăng.

Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, lúa, gạo tẻ còn giảm 15 - 20% so với cuối năm 2011. Đây là nhân tố quan trọng giữ mặt bằng giá ổn định. Chỉ số giá năm 2012 trở về mức thấp, nhưng diễn biến qua các tháng lại không theo xu hướng thông thường.

Trong 2 tháng đầu năm, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán nên chỉ số giá tăng trên 1%. Từ tháng 3, mặc dù có tăng giá xăng dầu, gas, lương cơ bản, điện nhưng do sức mua yếu nên chỉ số giá từ tháng 3-5 chỉ tăng dưới 0,2% và riêng tháng 6,7 chỉ số giá giảm.

Tính chung, chỉ số giá 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,22% so với tháng 12/2011, cho phép nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhưng do việc tăng giá đồng loạt các lĩnh vực giáo dục (10,54%), y tế (17,02%) trong tháng 8, 9 nên chỉ số giá tháng 9 tăng mạnh, lên mức 2,2% so với tháng 8.

Tính chung cả năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Theo tính toán, nếu như không có sự điều chỉnh tăng giá mạnh của nhóm dịch vụ y tế và giáo dục, chỉ số giá chung năm 2012 sẽ còn thấp hơn rất nhiều (khoảng 3,81%).

Điều hành quyết liệt

Năm 2012 ghi nhận rõ nét sự chỉ đạo kịp thời và điều hành quyết liệt của Chính phủ về triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát.

Chẳng hạn, sau khi chỉ số giá tháng 9 tăng 2,2% do tăng giá nhóm dịch vụ y tế và giáo dục, Chính phủ đã chỉ đạo giãn lộ trình điều chỉnh tăng phí của 2 nhóm dịch vụ này, đồng thời có các chính sách hỗ trợ cho sản xuất các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung, tránh tăng giá mạnh dịp cuối năm.

Do vậy, đến quý IV, thông thường chỉ số giá cao hơn các tháng trước nhưng năm 2012, các mặt hàng thường tăng giá dịp cuối năm lại tương đối ổn định. Chỉ số giá 3 tháng cuối năm chỉ tăng ở mức 0,3-0,85% (tháng 10 tăng 0,85% là do tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ giáo dục, y tế).

Bên cạnh đó, việc chủ động, linh hoạt điều hành thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu như đường, phân bón, xăng dầu… và các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, các chương trình bình ổn giá trong dịp Tết đã làm giảm mạnh sức ép tăng giá.

Cộng với, tỷ giá tương đối ổn định trong cả năm 2012, nhập siêu thấp và thặng dư cán cân thương mại trong những tháng cuối năm cũng góp phần ổn định thị trường trong các tháng cuối năm.

Mức tăng thấp của CPI năm 2012 là cơ sở cho việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2013 và giúp giảm lãi suất, qua đó tháo gỡ khó khăn cơ bản cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Dự báo năm 2013

Năm 2013, tác giả bài viết cho rằng thị trường hàng hóa có thể chịu tác động một số yếu tố lớn.

Mục tiêu tổng quát năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng cao hơn năm 2012 với các chỉ tiêu cụ thể gồm: GDP tăng 5,5%, CPI 8%; bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP... Như vậy, năm 2013, với quan điểm điều hành đặt song song 2 nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và nâng tăng trưởng GDP cùng với xu hướng CPI thấp, chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục được nới dần, cung tiền sẽ tăng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến 14/12/2012, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 19,08% và chủ yếu tăng trong quý IV/2012. Như vậy trong các tháng đầu năm 2013, thị trường sẽ chịu tác động từ luồng cung tiền mới này và là áp lực tăng CPI.

Lãi suất có xu hướng giảm nhưng khó giảm sâu theo CPI nên tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, một số loại hàng hóa, dịch vụ tiếp tục điều chỉnh giá theo lộ trình sau thời gian tạm giãn tiến độ... Tính thời vụ trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa vẫn là yếu tố gây tăng giá trong những dịp lễ, Tết và giáp vụ.

Các yếu tố bên ngoài gây áp lực tăng giá là nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp do bất ổn chính trị ở nhiều nước. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự hồi phục, nên tiêu thụ chưa được cải thiện nhiều, sức mua còn yếu nên áp lực tăng giá hàng hóa sẽ giảm phần nào.

Bên cạnh đó, với mục tiêu và hướng điều hành của Chính phủ là tiếp tục các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục đề cao nhiệm vụ kiểm soát lạm phát nên dự kiến CPI năm 2013 có thể cao hơn năm 2012 nhưng vẫn dưới mức 10%.

Tuy vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn đặt ra thận trọng và cần tập trung kiểm soát các yếu tố có tác động làm tăng giá.

Tránh tăng cung tiền không hiệu quả gây áp lực tăng giá cần kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán nhưng vẫn đảm bảo kích cầu cho nền kinh tế nhằm vượt qua các khó khăn về tiêu thụ hàng hóa. Do đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đầu tư, chi tiêu công và các ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu.

Đẩy mạnh sản xuất trong nước là giải pháp quan trọng nhằm tăng khả năng chủ động nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, hạn chế tác động từ thị trường thế giới.

Các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần lưu ý tránh thời điểm nhạy cảm và không nên tăng giá đồng loạt tránh gây tâm lý bất ổn trên thị trường. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, tránh tăng giá trong những thời kỳ cao điểm, đồng thời nhân rộng mô hình dự trữ hàng hóa bình ổn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng vật tư thiết yếu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn nhằm kiểm soát và ổn định giá cả.