Đề phòng Trung Quốc dùng biện pháp thô bạo về kinh tế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trong cuộc trao đổi với phóng viên về những ảnh hưởng xung quanh tình hình biển Đông đối với nền kinh tế Việt Nam.

Đề phòng Trung Quốc dùng biện pháp thô bạo về kinh tế - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Phóng viên: Tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay có thể ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tác động của sự việc này, thưa ông ?

TS. Lê Đăng Doanh: Hiện nay, do hành động vi phạm và sử dụng vũ lực, cũng như sử dụng một cách có dụng ý các quyền lực, các khả năng về kinh tế và thương mại, tình hình quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều mặt xấu đi.

Trước hết, ngành du lịch bị ảnh hưởng khi khách Trung Quốc giảm mạnh, các ngành khách sạn, hàng không cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một số mặt hàng Trung Quốc chủ ý không nhập, ví dụ như vải thiều, trong khi đó họ vẫn tiếp tục nhập một số hàng họ cần khác như than, gạo...

Trước tình hình này, phải tính đến phương án Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp thô bạo, mạnh mẽ trong khả năng của họ để làm hại nền kinh tế của Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc có thể tạm ngưng xuất khẩu một số mặt hàng, làm ảnh hưởng lớn đến các ngành như dệt may, da giày.

Họ cũng có thể ngưng nhập khẩu một số mặt hàng khiến cho Việt Nam bị động về tiêu thụ sản phẩm. Nếu như chúng ta kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thì có thể các hành động này tiếp tục leo thang.

Chúng ta cần chủ động tìm kiếm các giải pháp đa dạng hóa thị trường và có biện pháp chuẩn bị để tránh thiệt hại quá nhiều, nếu như tình huống đó xảy ra.

 Ông có thể đưa ra một vài giải pháp cho các mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với áp lực lớn?

Với nông sản, vấn đề là phải đa dạng hóa thị trường, ký kết hợp đồng mua bán giao sau. Trên thế giới, người nông dân ở Mỹ, họ trồng lúa mì thì họ biết sau 1 năm họ sẽ bán lúa mì đó với giá bao nhiêu, cho đối tượng nào, họ biết là họ thu được bao nhiêu.

Chúng ta phải tìm đối tác ký kết và đảm bảo chất lượng để có hợp đồng giao sau như vậy. Còn hiện nay, chúng ta đang sản xuất hàng nông sản và ứng xử như một “chị hàng xén chợ huyện”, tức là cứ mang hàng ra bày, ai mua thì mua, cho nên rủi ro rất lớn.

Trước tình hình này, phải tính đến phương án Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp thô bạo, mạnh mẽ trong khả năng của họ để làm hại nền kinh tế của chúng ta.

Cơ hội từ các FTA và TPP sẽ mở ra cho Việt Nam hướng đi như nào để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, thưa ông?

Chúng ta sẽ ký kết FTA với EU và với nhiều nước khác nữa. Như vậy, chúng ta sẽ mở cửa nhiều thị trường để xuất khẩu, mở ra cơ hội để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, mở cửa thị trường vẫn cần phải bảo vệ bằng những rào cản kỹ thuật, điều mà cho đến nay các cơ quan nhà nước đã rất xao nhãng.

Vì vậy, nhiều loại hàng hóa độc hại tràn vào, thương nhân nước ngoài dễ dàng vào mua đủ thứ như móng bò, hoa hồi, lá cây… làm tổn hại cho nông nghiệp. Vì vậy, phải cẩn trọng và đề phòng đối với việc mở cửa thị trường.

Có ý kiến cho rằng các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam quá chậm chạp trong việc xúc tiến thị trường, khiến tình trạng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc chậm được khắc phục?

Theo tôi các cơ quan của Việt Nam có nhiều mặt xao nhãng và chất lượng làm việc cần được nâng cao rõ rệt, nếu không trong quá trình hội nhập chúng ta sẽ gặp nhiều thua thiệt.

Chúng ta cần bớt họp hành, học tập nghị quyết, mà tập trung ra các văn bản sát thực tế. Cần nghiên cứu sâu về hội nhập, vận dụng để tự bảo vệ mình.

Thời gian qua, Trung Quốc đã trúng thầu nhiều công trình quan trọng ở Việt Nam. Nhiều công trình chậm tiến độ, chất lượng thấp, gây ảnh hưởng lớn. Vậy phải ứng xử thế nào với các dự án này và rút kinh nghiệm cho những dự án quan trọng của đất nước sau này?

Nếu Trung Quốc dừng các dự án, không làm đúng hợp đồng thì chúng ta có thể kiện và yêu cầu họ bồi thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp họ nắm đằng chuôi, ta nắm đằng lưỡi, bởi vì ta đã ký hợp đồng với các điều khoản chưa chặt, và nếu họ ngừng lại thì điện của ta sẽ thiếu. Đó là một nguy cơ.

Còn để rút kinh nghiệm thì vấn đề ở đây là giám sát, quy trách nhiệm, trách nhiệm đối với người dân và trách nhiệm với nền kinh tế. Vấn đề này cần phải được nêu lên.

 Xin cảm ơn ông./.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), trong những năm gần đây, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu.