Để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu - Việt Nam

ThS. Nguyễn Thùy Vân

Hiệp định Thương mại tự do châu Âu và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sang năm 2018 chính thức có hiệu lực, có những tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Vì vậy, để tận dụng cơ hội cũng như có giải pháp ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, bài viết phân tích, chỉ rõ những thách thức cũng như triển vọng thương mại tự do châu Âu – Việt Nam, qua đó đề xuất một vài kiến nghị cho thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Triển vọng thương mại tự do châu Âu - Việt Nam

Từ năm 2008 đến nay, hoạt động thương mại của Việt Nam đã có những tiến triển khá tốt, nhất là kim ngạch thương mại song phương với châu Âu (EU). EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam.

Chỉ riêng về tình hình xuất khẩu nhóm mặt hàng giày dép của Việt Nam, thống kê của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2016 cho thấy, trong 13 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất thì đã có đến 7 quốc gia đến từ EU. Trong đó, năm 2016, Bỉ là thị trường lớn nhất với 825,4 triệu USD; Đức đứng thứ hai với 764,7 triệu USD…

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 13,2%, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, trong 2 tháng đầu năm, EU đứng thứ năm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,6%, vượt Hoa Kỳ với  1,4 tỷ USD...

Đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) EU tại Việt Nam (EuroCham) trong lần công bố Sách trắng lần thứ 9 đầu tháng 3/2017 cũng cho thấy, việc thực thi và tác động của Hiệp định này vào năm 2018 sẽ đem đến những thay đổi vượt bậc về xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam.

Về xuất khẩu, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế quan cao như dệt may, giày dép, nông sản... Điều quan trọng hơn, tiếp cận thị trường EU còn là bước đệm để Việt Nam tiếp cận các thị trường phát triển khác.

Về nhập khẩu, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và có lực lượng lao động trẻ năng động. Thị trường Việt Nam cũng mang đến nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của EU. Dự báo EVFTA cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo.

DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt là có nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình...

Đối diện với không ít thách thức

Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít khó khăn thách thức, trở ngại từ Hiệp định EVFTA, ảnh hưởng đến triển vọng xuất nhập khẩu của hai bên. Cụ thể như:

- Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU: Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, bởi các DN EU có lợi thế hơn hẳn các DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.

- Các yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ: Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA, nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam lại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

- Các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường: Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Do vậy, hàng hóa của Việt Nam phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.

- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ DN ở thị trường nhập khẩu thường có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. EU là một trong những thị trường thường sử dụng các công cụ này nên DN Việt Nam có thể bị lúng túng về mặt pháp lý.

- Thương hiệu sản phẩm Việt Nam vẫn còn yếu: Hàng hoá Việt Nam vẫn chưa được thị trường EU biết đến, hiệu quả của công tác quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm chưa cao, Việt Nam cũng chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao.

Những đề xuất, kiến nghị

Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam đang tiến hành hàng loạt thay đổi cơ bản nhằm hoàn thiện quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Từ cuối năm 2015, Việt Nam đã ban hành một số quy định để triển khai một số luật và quy định mới về đầu tư nước ngoài với mục tiêu ưu đãi cho DN và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi đầu tư bao gồm cả ưu đãi về thuế đối với một số lĩnh vực mà các DN EU đang dẫn đầu thế giới như công nghệ cao, công nghệ môi trường và nông nghiệp. Những cam kết cải cách nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải tiến thủ tục hành chính, môi trường đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ sẽ tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư từ EU.

Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô cũng giúp tăng niềm tin cho các nhà đầu tư. Điều này phần nào được minh chứng qua khảo sát của EuroCham là có tới 76% DN EU hoạt động tại Việt Nam bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh doanh tại đây trong năm 2017.

Tuy nhiên, để có thể đón nhận các cơ hội và ứng phó hiệu quả với các thách thức khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam cần nhanh chóng rà soát và chuẩn bị để những gì chưa tương thích với các FTA để tiếp tục hoàn thiện, trước mắt, cần tập trung vào một số nhiệm vụ như: Tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, thuế và cấp phép; Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước để đảm bảo không cá nhân, tổ chức đơn vị nào có thể vi phạm các quy định; Nhanh chóng cập nhập và thực thiện các quy chuẩn về an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn của nông sản Việt Nam khi xuất sang EU; DN trong nước điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình…