Để tự chủ trong thế giới phụ thuộc

Minh Hà

(Tài chính) Tìm lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc vào một thị trường nhất định, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là quan trọng… nhưng phải nhìn nhận thực tế Việt Nam đang tham gia vào một nền thương mại toàn cầu có sự ràng buộc lẫn nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Dẫn chứng cho điều này là hiện nước ta đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU)… Những động thái này của Việt Nam đã thể hiện sự chủ động cao trong việc tìm đối tác thị trường mới trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

Xét về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích kinh tế từ Việt Nam. Trên thực tế, trong xu thế hội nhập không một quốc gia nào trên thế giới có thể thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế với nhau nếu quốc gia đó thực hiện mở cửa hội nhập, Việt Nam cũng vậy. Ngoài Trung Quốc, nước ta đã hội nhập vào các thị trường khác như: Mỹ, EU, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS)… Tuy nhiên, “bài toán” hiện nay là làm thế nào để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường? Lời giải là cần xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ trước những tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần tận dụng và khai thác có hiệu quả các lợi thế thương mại với Trung Quốc, giữ ổn định kim ngạch xuất, nhập khẩu và tăng tính tự chủ hơn nữa đối với các ngành hàng phải nhập khẩu nguyên liệu. Từ thực tế trên, tự chủ kinh tế, đa dạng hóa và mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng đang là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.

Để giảm sự phụ thuộc vào thị trường nhất định, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không có cách nào khác là Việt Nam phải tự cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với việc sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo vị trí quan trọng với các đối tác nước ngoài…

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 7/2014 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh, Việt Nam xây dựng, vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Thủ tướng cũng lưu ý, tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2014