Để “xanh” từ sản xuất đến tiêu dùng

Theo thongtinthuongmai.vn

(Tài chính) Vấn đề phát triển bền vững, sản xuất kinh doanh cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường là những vấn đề mà tất cả các bên liên quan đều phải nghiêm túc tính đến ngay từ bây giờ. Cả người tiêu dùng cũng cần thay đổi các thói quen của mình và hướng đến một phong cách tích cực – tiêu dùng xanh.

Để “xanh” từ sản xuất đến tiêu dùng
Các đại biểu trao đổi thông tin tại Green-Biz 2013. Nguồn: internet
Theo các diễn giả tham gia Green-Biz 2013, việc nắm bắt và áp dụng các giải pháp xanh đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung, với từng quốc gia trong đó có Việt Nam là không thể chậm trễ hơn nữa.

“Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, các loại năng lượng hóa thạch và khoáng sản là hữu hạn và sẽ sớm cạn kiệt. Chúng ta không thể cứ nghĩ đến chuyện đào xới đất đai lên để tìm tài nguyên thô cho sinh hoạt, tiêu dùng một cách lãng phí và gây ô nhiễm môi trường” – Karl Falkenberg, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu nói và cho biết, ngay lúc này đây, khi trên thế giới dân số khoảng 7 tỷ người thì áp lực thiếu hụt đã rất lớn.

Bởi vậy, vấn đề phát triển bền vững, sản xuất kinh doanh cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường là những vấn đề mà tất cả các bên liên quan đều phải nghiêm túc tính đến ngay từ bây giờ.

Không chỉ các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cần dần thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất xanh mà cả người tiêu dùng cũng cần thay đổi các thói quen của mình và hướng đến một phong cách tích cực – tiêu dùng xanh. Đây cũng được xem là một trong những điểm mới của Hội nghị Green-Biz lần thứ 3 này.

Nói đến phát triển kinh tế xanh thì có lẽ ai cũng đã nhận thức được và về mặt tư duy đều nhất trí phải phát triển kinh tế theo hướng này. Theo ông Nguyễn Cẩm Tú – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam cũng đã rất quyết tâm trong việc đề ra và triển khai những hành động nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.

Cụ thể như đã và đang triển khai các chiến lược phát triển theo hướng bền vững như: Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh… Để đạt được các mục tiêu trên, nhiều bộ, ngành đã tích cực tham gia triển khai các chương trình hành động cụ thể.

Như Bộ Công Thương đã và đang triển khai chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015…

Nhưng nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là không đủ mà quan trọng hơn là sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế phải vào cuộc từ ý thức tới hành động. Điều này, đối với các DN Việt Nam, vẫn còn khoảng cách rất lớn. Nếu không từ bỏ kiểu làm ăn “chụp giật”, ngắn ngày và thay vào đó là tư duy phát triển bền vững (cho chính DN mình và cho cả xã hội) thì nhiều DN Việt Nam có lẽ sẽ sớm “ngã ngửa” vì chỉ trong khoảng thời gian ngắn tới đây, hiệu lực của các hiệp định hợp tác lớn đang tới rất gần (như Hiệp định Thương mại Tự do FTA với châu Âu; Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP…).

Các hiệp định này đều đưa ra những quy định rất ngặt nghèo về tiêu chuẩn sản xuất sạch. Đơn cử như chứng chỉ ISO và những yêu cầu về kinh doanh bền vững trong đàm phán FTA Việt Nam – EU, nếu các DN không đáp ứng được thì coi như sản phẩm xuất khẩu của họ vào châu Âu chắc chắn sẽ bị “out” (bị đẩy ra ngoài). Còn với những DN không chịu thay đổi tư duy trên thì “cơ hội” phá sản là rất lớn.

Theo các chuyên gia, bên cạnh các khung khổ chính sách và quy định về phía Nhà nước và các cơ quan quản lý, cũng cần có những khuyến khích ưu tiên và ưu đãi hơn nữa để hướng các DN và người dân đi theo sản xuất và tiêu dùng xanh.

Khi một chiến lược phát triển bền vững đã được xác định và nhận thức đúng, thì những dự án mang lại hiệu quả cần phải được khuyến khích bằng các chính sách ưu tiên như ưu đãi về thuế, tuyên truyền nhân rộng trong cộng đồng… mới có thể đưa các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững thành hiện thực.