Đề xuất mới về quy định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

PV. (Tổng hợp)

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định mới quan trọng như: Cơ chế tài chính trong phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp nhà nước, các trường hợp doanh nghiệp nhà nước được thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các trường hợp doanh nghiệp nhà nước được thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định ghi giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP thì thực hiện như sau:

Một là, trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ, căn cứ mức vốn điều lệ xác định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện ghi giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hai là, trường hợp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp nhà nước, căn cứ biên bản bàn giao tài sản, vốn khi tách doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để thực hiện ghi giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Trong thời hạn áp dụng mức vốn điều lệ điều chỉnh lại quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, trường hợp nguồn bổ sung vốn điều lệ không đủ để bổ sung theo mức vốn điều chỉnh lại đã được phê duyệt hoặc do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư vốn thì cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh lại mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Ba là, trong trường hợp do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư vốn mà phát sinh phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ điều chỉnh giảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch này về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

Cơ chế tài chính trong phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp nhà nước

Tại Dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất về cơ chế tài chính trong phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Điều 2 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các quy định sau: Doanh nghiệp có lãi (bao gồm cả khoản thu nhập không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp) thì được bù lỗ lũy kế của năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Lợi nhuận sau khi bù đắp hết lỗ của các năm trước, doanh nghiệp thực hiện trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; phần lợi nhuận còn lại được phân phối theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Dự thảo cũng nêu rõ căn cứ để trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên. Về xếp loại doanh nghiệp A, B, C làm căn cứ trích lập các quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Về tiền lương tháng thực hiện làm căn cứ trích lập các quỹ: Đối với trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi doanh nghiệp nhà nước: Căn cứ quỹ tiền lương thực hiện trong năm tài chính của người lao động của doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ hoặc các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) chia (:) cho 12 tháng.

Trích quỹ thưởng Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên: Dự thảo đề xuất, căn cứ quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của viên chức quản lý (chuyên trách và không chuyên trách) được xác định theo quy định của Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có), chia (:) cho 12 tháng.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.