Đến nay, Việt Nam đã thu hút 150 dự án PPP cho cơ sở hạ tầng

Theo Trang Trần/kinhtevadubao.vn

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, tổng giá trị của các dự án này lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD).

Việt Nam và các nước trong khu vực luôn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: Internet
Việt Nam và các nước trong khu vực luôn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: Internet

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019, sáng nay (16/1) tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp đến từ các bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương, Công ty PwC.

Đã thu hút được 150 dự án PPP cho cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, Việt Nam và các nước trong khu vực luôn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từ đó là tạo ra sự cải thiện đáng kể về số lượng. Chất lượng cơ sở hạ tầng gắn với cải cách thể chế quản lý, huy động vốn, tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng chuẩn mực và có hiệu quả hơn. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng: “3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được xác định, bao gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, hạ tầng xác định cần xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông và đô thị”. 

“Tính đồng bộ được bao hàm trong 10 lĩnh vực, riêng hạ tầng, chúng tôi xác định 4 lĩnh vực hạ tầng trọng tâm, cấp thiết nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thuỷ lợi ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng cung cấp điện và hạ tầng đô thị lớn. Đáp ứng yêu cầu đó, thời gian qua kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã từng bước được nâng lên, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển”, Thứ trưởng Thắng nói.

Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh sử dụng vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ cũng đã thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua phương thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP). Theo Thứ trưởng Thắng, đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư 150 dự án PPP cho cơ sở hạ tầng. Tổng giá trị của các dự án lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD).

Về hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp đảm bảo kết nối vùng miền cả nước: mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh, hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 1.000 km đường cao tốc, nâng cấp các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc...

Về hạ tầng năng lượng, thứ trưởng Thắng khẳng định, Việt Nam cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển, hoàn thành nhiều công trình lớn hoặc đang xây dựng triển khai như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nhiệt điện Duyên Hải Vũng Áng 2, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2; tăng 18 ngàn mW công suất nguồn, 7.600 km đường truyền tải các loại từ 500kV, 37.000 mW công suất trạm biến áp.

Về hạ tầng thủy lợi, các dự án đã hoàn thành sửa chữa trên 600 hồ chứa, lắp đặt trang thiết bị giám sát 22 hồ đập lớn. Các công trình hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng năng lực tưới tiêu cho trên 170 ngàn hecta, tạo nguồn cấp nước cho 280 ngàn hecta, tiêu úng 180 ngàn hecta đất nông nghiệp.

4 rào cản chính trong phát triển hạ tầng

Mặc dù vậy, cũng như các nước trong khu vực, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chỉ ra Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng:

Thứ nhất, quy mô nền kinh tế không lớn, khả năng tích lũy hạn chế, dẫn đến việc duy trì mức đầu tư cao từ ngân sách nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Thứ hai, đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng gây áp lực trần nợ công cao. Đồng thời, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn vay nước ngoài dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm và sẽ phải vay vốn ưu đãi với mức lãi cao hơn.

Thứ ba, cải cách thể chế, thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư thu hút cho đầu tư phát triển hạ tầng vẫn đang là thách thức lớn với các cơ quan hành chính.

Thứ tư, các điều kiện khởi kết thu hút đầu tư từ tư nhân vẫn còn hạn chế do nhà nước chưa có đủ nguồn lực tham gia cùng tư nhân. Năng lực thực hiện còn yếu, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh. Đặc biệt, còn thiếu cơ chế đảm bảo, bảo lãnh, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, như các rủi ro doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ. Đồng thời, tính thực thi chưa đảm bảo minh bạch của thị trường.

Ngoài ra, tại Việt Nam thị trường vốn chưa phát triển, ngân hàng thương mại hạn chế trong cung cấp đầu tư cho phát triển hạ tầng. Quản lý vốn đầu tư cũng như cơ chế phối hợp các bộ ngành và địa phương còn chưa đảm bảo. 

Do vậy, Thứ trưởng Thắng cho rằng: “Để đạt được mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng thời gian tới với những dự án lớn về giao thông vận tải như tuyến đường bộ, cao tốc phía Đông đất nước, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao…, thì việc đề xuất những giải pháp toàn diện, trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách để quản trị và huy động vốn đầu tư là yêu cầu cấp thiết với Việt Nam trong giai đoạn tới”.