Dệt may “u ám” vì TPP

Theo enternews.vn

Mặc dù được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may tuy nhiên việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có hiệu lực đang gây khó cho doanh nghiệp dệt may, làm nên bức tranh “u ám” của ngành này.

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đang trong tình trạng “ngóng trông” đơn hàng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đang trong tình trạng “ngóng trông” đơn hàng.

Tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua

Theo Tổng cục Hải quan, lần đầu tiên xuất khẩu dệt may sụt giảm trong nửa cuối tháng 7 – thời điểm được coi là chính vụ. Đến nửa đầu tháng 8, hàng dệt may xuất khẩu tiếp tục giảm 4%, mức tăng trưởng trong 6 tháng cũng chỉ đạt 4,72%, mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm qua.

Hiện, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đang trong tình trạng “ngóng trông” đơn hàng khi mà các đối tác đã chuyển mục tiêu sang các nước lân cận. Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết mới chỉ nhận được đơn hàng đến hết quý III/2016 với số đơn hàng còn khá nhỏ lẻ.

Tình trạng “khát” đơn hàng được cho là bắt đầu từ năm 2015 và theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tình trạng “chảy” đơn hàng sang các nước lân cận trong ASEAN hoặc Bangladesh đang diễn ra ngày càng nhiều.

Theo ông Dương, nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng để chạy hết công suất, nếu vậy đến cuối năm sẽ có nguy cơ hàng nghìn lao động mất việc làm, bởi cứ với mỗi 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may có thể tạo ra việc làm cho 150 – 200 ngàn lao động, trong đó có 100 ngàn lao động trong doanh nghiệp dệt may và từ 50 – 100 ngàn lao động tại các doanh nghiệp hỗ trợ khác.

Còn theo Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agtek), tính đến cuối tháng 8/2016 chỉ có 20 – 30% doanh nghiệp có đủ đơn hàng đến cuối năm, phần còn lại “đang chạy khắp nơi để tìm đủ đơn hàng mới mong có việc cho người lao động”.

Tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng cũng khiến ngành dệt may phải điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu năm nay xuống còn 29 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, Hiệp định TPP dù kỳ vọng đem lại lợi thế lớn cho ngành dệt may nhưng đến nay chưa có hiệu lực. Cùng với đó, hiệu ứng từ TPP lại gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt khi các nước không phải thành viên TPP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành dệt may nội địa nhằm nâng sức cạnh tranh.

Kỳ vọng TPP chưa thành

Theo TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia hiệp định này. Tại ngành dệt may, các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP.

Theo đó, dệt may sẽ là ngành hưởng lợi nhiều nhất do hiện tại thuế suất vào thị trường các nước TPP mà Việt Nam chưa ký FTA đang ở mức khá cao, như Hoa Kỳ (17,5%), Canada (17%), Mexico (30%), Peru (17%).

Tuy nhiên, khi các ân huệ của TPP chưa có hiệu lực thì dệt may của Việt Nam đã mất các ưu đãi của các nước không phải là thành viên TPP dành cho. Trong khi đó, các nước này đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành dệt may nội địa.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc đang có đến 85% sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đã được hưởng thuế suất ưu đãi, còn với các FTA khác, chỉ có 35% – 40% lượng hàng hóa xuất khẩu của nước ta được hưởng ưu đãi thuế suất, số còn lại vẫn phải chịu mức thuế từ 12% – 25%.

Cụ thể, hàng dệt may Việt Nam đang chịu mức thuế suất xuất khẩu vào Mỹ từ 17-18%, vào EU từ 8-12%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng Việt trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với các nước như Campuchia, Myanmar, Lào…

Khó khăn của dệt may Việt Nam còn nằm ở phần nguyên phụ liệu, trong quy tắc xuất xứ có yêu cầu sợi phải có nguồn gốc từ các nước TPP. Nhưng hầu như chẳng có sản phẩm dệt may nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Hiện, nguyên liệu bông trong nước chỉ cung cấp được từ 1 – 3% cho sản xuất sợi. Còn nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20 – 25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu. Có đến 70% nguyên phụ liệu của ngành là hàng nhập khẩu, trong đó đa phần nhập khẩu từ những nước chưa ký kết TPP như: Vải nhập từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các phụ kiện chủ yếu từ một số nước Đông Nam Á…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp dệt may khó khăn là chính sách ổn định tỷ giá của Việt Nam so với đồng USD, trong khi nhiều nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, các nước ASEAN, Trung Quốc đã giảm giá đồng tiền của họ gấp nhiều lần biên độ giảm giá của đồng Việt Nam.

Việc này đã làm hàng hóa Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh và có giá cao hơn 10% so với các nước khác. Hơn nữa lãi suất cho vay ngân hàng đang ở mức cao từ 8 – 10%/năm đã làm tăng chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, tiền lương tối thiểu liên tục tăng, chỉ tính từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm, đối với doanh nghiệp FDI tăng 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%, đã làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Theo như những kỳ vọng từ TPP, kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể tăng 30 – 40% ngay trong năm đầu tiên và sau khoảng 3 – 4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi. Nhưng thực tế cho thấy, theo Vitas, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 12,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái (chủ yếu là do doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) mức tăng trưởng này cũng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và mới chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm.