Dịch vụ y tế có thể đẩy CPI tháng 8 tăng cao

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Từ đầu tháng 8, một số địa phương như Hà Nội, Bến Tre, Khánh Hòa, Cà Mau..., thực hiện tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh công trên địa bàn từ 2%-20%, là một trong các yếu tố tăng áp lực cho chỉ số giá tiêu dùng tháng này.

Dịch vụ y tế có thể đẩy CPI tháng 8 tăng cao
Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh công trên địa bàn từ 2%-20%, là một trong các yếu tố tăng áp lực cho chỉ số giá tiêu dùng tháng này. Nguồn: internet

Trước đó vào đầu tháng 6, TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế. Ngay lập tức, CPI tháng 6/2014 của đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước đã tăng 1,22%, với mức tăng cao nhất của nhóm thuốc và dịch vụ y tế là 8,53%. Cùng thời điểm, CPI cả nước cũng tăng 0,3%, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế đứng đầu bảng với mức tăng 0,74%.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, bên cạnh dịch vụ y tế, CPI tháng 8 còn chịu áp lực từ ảnh hưởng thời tiết như mùa mưa bão tiếp diễn, gây bất lợi đến nguồn cung thực phẩm tươi sống, là cơ sở để giá hàng hoá có thể tăng cục bộ tại một số địa phương.

Giá lúa, gạo tháng 8 có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam từ các quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia gia tăng tác động làm giá lúa, gạo trong nước tăng.

Hay nhu cầu một số hàng hoá tăng do yếu tố mùa vụ như nguyên liệu chuẩn bị cho mùa sản xuất bánh Trung thu, lễ Vu Lan và rằm tháng 7 âm lịch; nhu cầu mua sắm trang phục, đồ dùng học tập phục vụ mùa khai giảng năm học mới 2014-2015 cũng có thể tác động lên mặt bằng giá chung.

Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước tổ chức đầu tháng này, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, CPI tháng 8 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 7, có thể tăng ở mức 0,2%.

Tuy nhiên cơ quan quản lý giá cũng cho biết, trong tháng 8/2014 có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới và giá hàng hóa nhập khẩu dự báo chỉ biến động nhẹ.

Trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động, cộng với giá một số loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm (đường, thức ăn chăn nuôi, sữa, xi măng, thép, khí hóa lỏng...).

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là đối với ngành vật liệu xây dựng dự báo bị ảnh hưởng do nhu cầu xây dựng, ký kết các giao dịch lớn thường bị đình trệ trong tháng 7 âm lịch và ảnh hưởng bởi mùa mưa bão; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 18/7 và 28/7 làm giảm chỉ số giá nhóm nhiên liệu trong tháng ... cũng sẽ góp phần hạn chế mức tăng giá của hàng hóa trên thị trường.