Điểm danh sách các dự án FDI tỷ USD năm 2014

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm, cũng như sự thăng hay xuống hạng của các địa phương trong cuộc đua thu hút FDI năm 2014 sẽ phụ thuộc rất lớn vào các dự án quy mô lớn, đặc biệt là dự án tỷ USD.

Điểm danh sách các dự án FDI tỷ USD năm 2014
Thu hút FDI năm 2014 sẽ phụ thuộc rất lớn vào các dự án quy mô lớn, đặc biệt là dự án tỷ USD. Nguồn: internet

Khí thế lạc quan

Đầu năm Giáp Ngọ 2014, khí thế “ra quân” là khá rộn ràng. Ngay ngày mùng 4 Tết, Bình Định đã có một ngày hội đầu tư đầy hứng khởi, với kế hoạch mời gọi đầu tư vào 18 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.

Chưa có những cam kết đầu tư mới trong ngày này, tuy nhiên, theo ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban trong năm 2014 là phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) hoàn thành lập báo cáo khả thi Dự án Lọc hóa dầu Bình Định để trình Thủ tướng Chính phủ và triển khai các thủ tục tiếp theo.

Trong khi đó, ở Ngày hội Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, đã có 9 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 61 triệu USD và hơn 6.000 tỷ đồng. Trong số này, có hai dự án FDI, là Dự án Trung tâm Thương mại tổng hợp Lotte Vũng Tàu, 34 triệu USD, và Dự án Sản xuất phân bón của Behn Meyer Agricare, 27 triệu USD.

Và cuối tuần này, Nghệ An cũng sẽ có một ngày hội tương tự. Sự lạc quan là điều nhìn thấy rõ, khi thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2013 là năm có số đoàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Nghệ An nhiều nhất từ trước đến nay. Và kết quả sẽ được ghi nhận bằng các giấy chứng nhận đầu tư sẽ được cấp trong năm 2014.

Khí thế đầu năm mang đến sự lạc quan. Nhưng câu hỏi đặt ra trong lúc này, là liệu năm 2014, Việt Nam sẽ thu hút được bao nhiêu vốn FDI và địa phương nào sẽ lên ngôi?

Năm ngoái, số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam đã có tới 9 dự án tỷ USD, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 13,6 tỷ USD. Nhờ các dự án này, năm ngoái, vốn FDI vào Việt Nam đã hồi phục mạnh, với 23 tỷ USD. Cũng nhờ các dự án tỷ USD, đã có một sự đảo chiều khá ngoạn mục trong danh sách các địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong năm qua.

Thái Nguyên, địa phương lâu nay ít được nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó, bỗng trở thành điểm đến hấp dẫn khi lôi kéo được 3,2 tỷ USD từ Samsung. Không chỉ vượt lên nhờ vốn FDI đăng ký mới, năm 2014 và các năm tiếp theo, tương tự Bắc Ninh, với Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV), 2,5 tỷ USD, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Kinh tế - xã hội nhờ đó phát triển theo.

Trong khi đó, với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đứng thứ hai với 2,921 tỷ USD. Còn Hải Phòng đứng thứ 3, với 2,612 tỷ USD.

Còn năm nay? Đã giữa tháng 2/2014, chưa có những thông tin về các dự án lớn, dự án tỷ USD “nằm chờ” được cấp chứng nhận đầu tư. Năm ngoái, cũng vào thời điểm này, thì Samsung đã hé lộ kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD ở Thái Nguyên, còn LG cũng đã phong thanh về một dự án 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng.

Ẩn số tỷ USD

Thực tế, chỉ một Dự án Lọc hóa dầu Bình Định (vốn đầu tư 27 tỷ USD) cũng có thể mang lại sự khác biệt cực kỳ lớn cho vốn FDI đăng ký mới, cũng như cho xếp hạng của Bình Định trong bảng tổng sắp các địa phương thu hút FDI lớn nhất. Nhưng khả năng dự án khủng này được cấp phép trong năm 2014 là khó xảy ra, bởi còn nhiều vấn đề cần phải xem xét xung quanh Dự án.

Trong bối cảnh đó, hướng nhìn có lẽ sẽ được đổ về Quảng Ninh - địa phương đang có những nỗ lực rất lớn trong xúc tiến đầu tư. Cuối năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh đã “bóng gió” về việc cấp chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) triển khai xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh này, với tổng vốn đăng ký 950 triệu USD. Kế hoạch cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án Khu đô thị, công nghệ cao của Tập đoàn Amata (Thái Lan), vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ USD, cũng đã được nhắc đến từ cuối năm 2013.

Đây là hai dự án được xem là “tương lai gần” của Quảng Ninh, trong khi đó, các dự án “tương lai xa”, vẫn được nhắc tới lâu nay, là Sân bay Vân Đồn, Khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino ở Vân Đồn. Toàn các dự án tỷ USD, nếu được triển khai sẽ mang lại một bộ mặt mới cho địa phương này.

Trong khi đó, Hải Phòng cũng đang là một tâm điểm đầu tư, khi thông tin từ ông Huỳnh Quang Hải, Thành viên Hội đồng Quản trị VSIP Group, đồng Chủ tịch VSIP Hải Phòng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang “ngấp nghé” đầu tư vào VSIP Hải Phòng. Trong số này, có cả các nhà đầu tư khu đô thị và thường là các dự án lớn.

Hải Phòng cũng là địa phương hiện thu hút vốn FDI lớn nhất từ đầu năm tới nay. Ngoài dự án mở rộng của chính VSIP Hải Phòng, nâng vốn từ 145,9 triệu USD hiện tại lên 268,2 triệu USD, mới đây, thành phố này đã cấp chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất tất của Apex Wealth International Limited (Hong Kong), với vốn đầu tư 14 triệu USD. Trước đó là Dự án Sản xuất chi tiết, phụ tùng, linh kiện nhựa Dong Yang Hải Phòng (38 triệu USD), là Dự án Sản xuất linh kiện điện tử Comet Vina (10 triệu USD). Cả hai nhà đầu tư này đều đến từ Hàn Quốc.

Nhưng vẫn chưa có thông tin về các dự án lớn, ngoài một số dự án BOT điện đang nằm chờ, như Vân Phong 1 (vốn dự kiến 2 tỷ USD); Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (vốn dự kiến 2,3 tỷ USD)... Song cấp phép cho dự án BOT là cả một hành trình dài, vì thế, câu trả lời cho câu hỏi năm 2014, sẽ thu hút được bao nhiêu vốn FDI và địa phương nào sẽ lên ngôi vương vẫn còn là một ẩn số. Ẩn số này phụ thuộc vào các dự án quy mô lớn, tầm cỡ tỷ USD, đang đâu đó được… giữ bí mật.

Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kế hoạch năm 2014, Việt Nam sẽ thu hút khoảng 15-17 tỷ USD vốn đăng ký và 11-12 tỷ USD vốn giải ngân. Tuy nhiên, kế hoạch này được xây dựng từ hồi tháng 9/2013, khi dự kiến vốn FDI vào Việt Nam năm 2013 chỉ khoảng 16 - 17 tỷ USD. Còn hiện thực là trên 20 tỷ USD. Điều này, rất có thể sẽ khiến có một sự thay đổi trong kế hoạch FDI năm 2014.