Điểm lại một số thông tin tài chính - kinh tế nổi bật trong nước

PV.(Tổng hợp)

Trong 4 tháng đầu năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 16 doanh nghiệp thu về 12.190 tỷ đồng; Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 315 triệu USD cải thiện hệ thống giao thông và môi trường; Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 396,47 nghìn tỷ đồng... là những điểm nhấn kinh tế - tài chính nổi bật tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
4 tháng đầu năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 16 doanh nghiệp thu về 12.190 tỷ đồng
Theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố, 4 tháng đầu năm 2017, đã có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 2.468 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 564 tỷ đồng; vốn điều lệ của 9 doanh nghiệp là 878,5 tỷ đồng, bao gồm Nhà nước nắm giữ 412,9 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 347,3 tỷ đồng, bán cho người lao động 14,3 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 9,3 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 94,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã thoái vốn được 3.101 tỷ đồng, trong đó SCIC đã bán vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng.
WB tài trợ 315 triệu USD cải thiện hệ thống giao thông và môi trường
Đại diện WB cho biết, Ban Giám đốc WB đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá gần 315 triệu USD nhằm cải thiện hệ thống giao thông đường thủy phía Bắc, các công trình giao thông, vệ sinh môi trường tại một số thành phố ven biển miền Trung Việt Nam. 
Trong đó tài trợ 236 triệu USD (gồm 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) cho Dự án bền vững môi trường tại các thành phố ven biển Việt Nam; 78,74 triệu USD còn lại do Hiệp hội Phát triển Quốc tế tài trợ thêm cho Dự án phát triển giao thông vùng đồng bằng Bắc bộ nhằm xây dựng con kênh mới nối sông Đáy và sông Ninh Cơ.
4 tháng đầu năm tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016
Trong 4 tháng đầu năm 2017: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó thu nội địa ước đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; thu dầu thô ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu (sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ) đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán năm, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2016.

4 tháng đầu năm 2017, khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) huy động trên thị trường đạt 44,5% kế hoạch phát hành

Trong tháng 4/2017, nhu cầu TPCP duy trì ở mức cao, khi tổng khối lượng dự thầu các loại kỳ hạn gấp khoảng 2,7 lần tổng khối lượng gọi thầu, trong đó tập trung vào kỳ hạn từ 10 năm trở lên; lãi suất phát hành TPCP tăng đối với kỳ hạn 5 và 7 năm, giảm đối với các kỳ hạn từ 15 - 30 năm so với cuối tháng 3/2017.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, khối lượng TPCP huy động trên thị trường là 81,581 nghìn tỷ đồng, đạt 44,5% kế hoạch phát hành (183,3 nghìn tỷ đồng), đồng thời đã phát hành 23 nghìn tỷ đồng TPCP cho bảo hiểm xã hội, đạt 38,3% kế hoạch phát hành (60 nghìn tỷ đồng).

Giao Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNNgiai đoạn 2016 - 2020

Ngày 20/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 547/QĐ-TTg về việc giao Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn NSNN dành cho đầu tư trung hạn là 1.863.829 triệu đồng.

Cụ thể, vốn dành cho ngành xã hội là 1.197.590 triệu đồng; giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp 330.511 triệu đồng; khoa học, công nghệ 102.528 triệu đồng; y tế, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm 232.700 triệu đồng; quản lý nhà nước 500 triệu đồng. Nguồn vốn này không bao gồm dự phòng chưa phân bổ. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2017.