Điểm mặt 6 hạn chế sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài

Theo TTVN/CafeF

Hiệu quả nguồn vốn chưa cao, hiệu ứng lan tỏa thấp, thu hút công nghệ chưa như kỳ vọng, số việc làm tạo ra chưa tương xứng, ô nhiễm môi trường và hiện tượng chuyển giá.

Điểm mặt 6 hạn chế sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đào Quang Thu, sau 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh đó, có 6 hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Hiệu quả tổng thể nguồn vốn ĐTNN chưa cao

Theo Thứ trưởng Thu, trong công nghiệp – xây dựng, các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có quá ít dự án về cơ sở hạ tầng; tỷ trọng dự án trong nông – lâm – ngư nghiệp rất thấp và có xu hướng giảm dần trong khi đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh.

Trong dịch vụ, các dự án bất động sản quy mô lớn còn cao song nhiều trong số dự án này chậm triển khai, gây lãng phí về đất đai, vay vốn trong nước. ĐTNN vào các dịch vụ trung gian, dịch vụ giá trị gia tăng cao, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường… còn hạn chế.

ĐTNN hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu hướng ĐTNN vào địa bàn khó khăn. Các Khu kinh tế, khu công nghiệp... không tạo ra lợi thế khác biệt cho từng địa phương và vùng lãnh thổ.

Đối tác đầu tư vào Việt Nam chủ yếu từ Châu Á, nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao. Hiện mới chỉ thu hút được trên 100 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, chỉ khoảng 47,2%.

Mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng

Trên 80% doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu, cá biệt có trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu.

Chuyển giao công nghệ chủ yếu thực hiện theo chiều ngang – giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, ít có những biến đổi về trình độ và năng lực công nghệ.

Không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ.

Công nghệ thấp dẫn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu thực hiện việc gia công, một số doanh nghiệp được coi là công nghệ cao nhưng những khâu sử dụng công nghệ cao lại không thực hiện ở Việt Nam. Hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu.

Số lượng việc làm tạo ra chưa tương xứng, đời sống người lao động chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng

Từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy là 4.142 cuộc đình công, trong đó75,4% (3.122 cuộc) của doanh nghiệp ĐTNN, chủ yếu xảy ra tại doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; tập trung ở ngành gia công, sử dụng nhiều lao động như dệt may, cơ khí, điện tử, da giày xuất phát từ yêu cầu về lợi ích của người lao động, nhất là vấn đề thỏa thuận mức tiền lương và điều kiện lao động.

Tính riêng năm 2011, tỷ lệ việc làm mới do khu vực ĐTNN tạo ra chỉ chiếm 3,4% trong tổng số lao động có việc làm. Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động trong DN FDI chỉ cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Hiệu ứng lan tỏa của khu vực ĐTNN sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế, có dấu hiệu chèn lấn

Mặc dù doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ ĐTNN chủ yếu thông qua tác động mở rộng thị trường, nhưng từ năm 2007 (Việt Nam chính thức tham gia WTO) đến nay, doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong nước ở một số lĩnh vực đã chịu tác động chèn lấn của doanh nghiệp ĐTNN.

Chưa đảm báo tính bền vững

Tình trạng cạnh tranh trong thu hút ĐTNN khiến một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững.

Quy định về môi trường của Việt Nam áp dụng chuẩn của các nước phát triển, song việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung nhiều vào khâu tiền kiểm, dẫn đến nhiều dự án khi triển khai đã vi phạm nghiêm trọng quy định về môi trường, gây tác động lâu dài tới sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực.

Không ít dự án nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không được phát hiện kịp thời. Có chiều hướng dịch chuyển dòng ĐTNN tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường, vào Việt Nam nhưng nhiều địa phương không có cơ chế kiểm soát về môi trường. Một số dự án chiếm giữ đất lớn nhưng không triển khai gây lãng phí tài nguyên.

Một số trường hợp thu hút đầu tư chưa tính đến hiệu quả tổng thể cả về an ninh quốc phòng, nhất là các dự án trồng rừng, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy, hải sản ở vùng nhạy cảm về an ninh quốc phòng, một số dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông nước ngoài.

Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế

Một số doanh nghiệp ĐTNN có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn … tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.