Điểm nhấn kinh tế sáu tháng đầu năm 2016

TS. Nguyễn Minh Phong

Trong sáu tháng đầu năm 2016, kinh tế thế giới và Việt Nam đều ghi nhận một số động thái kinh tế mới, với xu hướng chung, theo như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, là kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm lại và chưa bền vững; giá cả hàng hóa ở mức thấp; các hoạt động thương mại và đầu tư giảm; sự kiện Brexit... với các tác động đa chiều bùng phát tới các mặt đời sống kinh tế-chính trị-xã hội quốc gia và quốc tế của tất cả các bên liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, nhưng đang chậm lại

Theo Tổng cục Thống kê, GDP cả nước quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,55%, tiếp tục ghi nhận xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước trong suốt ba năm qua. Tính chung sáu tháng đầu năm 2016 ước tăng 5,52%, tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014, nhưng lại thấp hơn so với mức tăng 6,32% đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015.

Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 6,35% (với quý I tăng 5,98% và quý II tăng 6,68%), đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 tới nay; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/6/2016 tăng 9% so cùng thời điểm năm 2015 (thấp hơn mức tăng 11,8% của cùng thời điểm năm trước).

Đáng ngại là khu vực công nghiệp và xây dựng, dù tăng 7,12% nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015, và mức tăng quý sau còn thấp hơn quý trước (quý I tăng 7,16% và quý II tăng 7,09%).

Đặc biệt, có hai lĩnh vực kinh tế trụ cột trong cơ cấu động lực GDP của Việt Nam bị tăng trưởng âm là ngành khai thác dầu thô (khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3,7% khiến ngành khai khoáng giảm 2,20% so mức tăng 8,48% cùng kỳ năm 2015) và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (giảm 0,18%, với quý I giảm 1,31% và quý II tăng 0,36%); trong đó, giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp là 5,75%; ngành thủy sản chỉ tăng 1,25%.

Thêm nữa, sản lượng khai thác thủy sản ở bốn tỉnh miền trung sụt giảm mạnh so cùng kỳ bởi tình trạng ô nhiễm các dòng sông và dọc ven vùng biển bắc Trung Bộ khiến cá chết hàng loạt. Cụ thể, Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn (6%), Quảng Bình giảm gần 24.000 tấn (8,7%), Quảng Trị giảm 16.000 tấn (14,3%), Thừa Thiên - Huế giảm hơn 13.000 tấn (giảm 30%). Đàn trâu giảm 1,1%; đàn bò tăng 1,6%; đàn gia cầm tăng 4,3%. Sản lượng cá tra giảm 3% do giá cá tra không ổn định và ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng.

Diện tích các cây hàng năm khác đạt thấp (ngô, bằng 92,4% cùng kỳ năm trước); khoai lang (94,1%); đậu tương (76,2%). Riêng lúa vụ đông xuân giảm so với vụ đông xuân trước giảm cả về diện tích, năng suất (giảm 3,6 tạ/ha) và sản lượng (giảm 1,3 triệu tấn, tức giảm 6,4%) do tình trạng thời tiết cực đoan khách quan rét buốt ở phía bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL và nam Trung Bộ, khô hạn ở Tây Nguyên.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2016 ước đạt 295,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so tháng trước và tăng 11% so cùng kỳ năm trước, còn tính chung sáu tháng đầu năm 2016, ước đạt 1.724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015.

Với kết quả trên, áp lực phải đạt được mức tăng trưởng 7,6% trong sáu tháng cuối năm để đạt tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch cả năm 6,7% là rất lớn.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động nhiều hơn số dừng hoạt động, nhưng khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn

Những tháng đầu năm 2016 chứng kiến tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, tinh thần khởi nghiệp và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này thể hiện đậm nét ở sự khởi sắc rõ rệt về kết quả đăng ký kinh doanh và hoạt động của DN, với 54.501 DN (tăng 20% về số lượng), và tổng vốn đăng ký mới 427.762 tỷ đồng (tăng 51,5%); số DN quay trở lại hoạt động là 14.900 (tăng 75% so cùng kỳ năm 2015, và đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua; năm 2015, chỉ có mức tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2014). Tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2016 đạt 1202,5 nghìn tỷ đồng.

Theo khảo sát và ước tính sơ bộ của VCCI, chỉ khoảng 1/3 số DN hoạt động có lãi. Còn theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 41,8% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sản xuất kinh doanh quý II-2016 khả quan hơn quý I; 47,7% số doanh nghiệp có xu hướng quý III sẽ tốt lên so quý II; 55,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất nửa cuối năm 2016 sẽ tăng, nhưng chỉ có 26,5% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động, mở rộng sản xuất-kinh doanh.

Trong sáu tháng qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, số DN phá sản, chờ phá sản cũng lên đến 36.626 (chủ yếu quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng); trong đó: DN phá sản là 5.507 (tăng 17%); DN buộc tạm ngừng hoạt động là 31.119 (tăng 15%). Nhóm ngành có số lượng DN đóng cửa nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo; dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch…

Thu hút FDI và khách du lịch quốc tế đều tăng mạnh, xuất siêu cao

Trong nửa đầu năm nay có sự bùng nổ tích cực kết quả thu hút FDI về số lượng dự án, vốn đăng ký, vốn mở rộng và vốn thực hiện, cũng như cơ cấu lĩnh vực đầu tư; cụ thể: Tính đến 20/6/2016, so cùng kỳ năm trước, cả nước thu hút 1.145 dự án FDI mới (tăng 51,3%), tổng vốn đăng ký đạt 7.496,9 triệu USD (tăng 95,3%); 535 lượt dự án tăng vốn 3.787,8 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 11.284,7 triệu USD, tăng 105,4% so cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,1%.


Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu chiếm 71,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 604,8 triệu USD, chiếm 5,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 562,3 triệu USD, chiếm 5%; các ngành còn lại chiếm 18,2%.

Trong số 47 tỉnh, thành phố có dự án mới, Hải Phòng đứng đầu, chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 41,8% tổng vốn đăng ký cấp mới trong số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2016 ước đạt 700,4 nghìn lượt người, giảm 7,5% so tháng trước và tăng 29,8% so cùng kỳ năm trước; tính chung sáu tháng đầu năm, ước đạt 4.706,3 nghìn lượt người, tăng 21,3% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng được ghi nhận từ khách đến bằng đường hàng không (tăng 25,9%), đường bộ (7,5%); còn đường biển giảm 27,8%. Khách từ châu Á tăng 25,7% châu Âu tăng 13,8%, châu Mỹ tăng 12,4%, và châu Úc tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015.


Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 3,85%), thì đạt 85,5 tỷ USD, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2015. Do giá cả thế giới giảm, xuất khẩu gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,7%; dầu thô đạt 1,1 tỷ USD, giảm 46,6% (lượng giảm 23%); sắt thép đạt 832 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 530 triệu USD, giảm 12,3%.

Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so cùng kỳ năm trước; loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu bình quân giảm 7,8%), kim ngạch nhập khẩu sáu tháng đạt 87,5 tỷ USD, tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2015

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỷ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 23,3 tỷ USD, giảm 2,9%.

Tính chung sáu tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD. Nếu loại trừ 4,4 tỷ USD chi phí vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu đã được tính vào nhập khẩu dịch vụ thì cân đối thương mại hàng hóa và dịch vụ sáu tháng đầu năm 2016 xuất siêu khoảng 3,7 tỷ USD, trong đó hàng hóa xuất siêu 5,9 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 2,2 tỷ USD. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước tính 14,1 tỷ USD, giảm 11,5% so cùng kỳ 2015.

Lạm phát và cân đối NSNN gia tăng áp lực

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so tháng trước, tăng 2,35% so tháng 12/2015, bình quân sáu tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so bình quân cùng kỳ năm 2015 (cao hơn so mức tăng 0,86% của bình quân cùng kỳ năm trước). Lạm phát cơ bản tháng 6/2016 tăng 0,13% so tháng trước và tăng 1,88% so cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm 2016 tăng 1,80% so bình quân cùng kỳ năm 2015.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2016 giảm 0,01% so tháng trước; tăng 9,67% so tháng 12/2015; tăng 4,04% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 6/2016 tăng 0,09% so tháng trước; giảm 0,80% so tháng 12/2015 và tăng 2,52% so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, do sự kiện Brexit, nên cả giá vàng và USD vào những ngày cuối tháng 6/2016 đã có biến động mạnh theo xu hướng chung trên thế giới.

Nhìn chung, trong nửa đầu năm 2016, lạm phát có xu hướng tăng nhẹ là hội tụ kết quả của gia tăng phương tiện thanh toán; tăng giá dịch vụ y tế, học phí; tăng giá lương thực, thực phẩm trong nước gắn với tăng nhu cầu thu mua thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến 20/6/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 5,09%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23% (cùng kỳ năm trước tăng 4,58%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2% (cùng kỳ năm trước tăng 6,28%). Mặt bằng lãi suất tăng nhẹ, với lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới sáu tháng phổ biến ở mức 4,5% - 5,4%/năm; kỳ hạn trên sáu tháng ở mức 5,4% - 7,2%/năm.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 618,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP (vốn khu vực Nhà nước chiếm 37,1% và tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước chiếm 37,3% và tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 25,6% và tăng 15,6%).

Tổng thu NSNN bằng 42% dự toán năm. Thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu sáu tháng đầu năm đạt thấp chủ yếu do giá dầu thô, sản phẩm hóa dầu xuất khẩu giảm mạnh và tác động của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do. Tổng chi NSNN bằng 39,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt thấp nhất, chỉ 74,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1%; chi trả nợ và viện trợ đạt 68 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8%.

Nhìn chung, các chỉ số kinh tế-xã hội vĩ mô nửa đầu năm 2016 khá ổn định và phản ánh hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước... Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, áp lực đạt các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2016 về tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sẽ khó khăn hơn, nhất là khi tác động của sự kiện Brexit đang và sẽ diễn biến phức tạp, khó lường trong nửa cuối năm…