Điểm nhấn kinh tế - tài chính trong nước tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tuần vừa qua (từ 24 - 28/7), kinh tế - tài chính trong nước đã ghi nhận nhiều thông tin nổi bật như: 7 tháng đầu năm 2017, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.429,92 tỷ đồng, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 131 nghìn tỷ, tháng 7/2017 có gần 12.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
7 tháng đầu năm 2017, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.429,92 tỷ đồng
Tính đến ngày 26/6/2017, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra được 36.664 doanh nghiệp, đạt 40,5% kế hoạch năm 2017. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.643,9 tỷ đồng, tăng 34,07% so với cùng kỳ năm 2016; tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.429,92 tỷ đồng.
Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán đạt 131 nghìn tỷ
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 03/7, mức vốn hóa thị trường đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2016. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 131 nghìn tỷ.
Bên cạnh đó, hai sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức 32 phiên đấu giá cổ phần, với tổng khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 176,4 triệu cổ phần, tổng giá trị thu về 2.927 tỷ đồng, tỷ lệ thành công gần 90%. 
Tháng 7/2017 có  gần 12.000 doanh nghiệp thành lập mới
Trong tháng 7/2017 có 11.677 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 94.543 tỷ đồng, tăng 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 14,5% về số vốn đăng ký so với tháng 6.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 72.953 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 690.738 tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm 979.727 tỷ đồng của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng qua là 1.670.465 tỷ đồng
Tính đến ngày 20/7/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,05 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp nước ngoài tăng gấp 1,5 lần, lên 12,92 tỷ USD; vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,87 tỷ USD; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,12 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến ngày 20/7/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. Phân theo đối tác đầu tư, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63%. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ ba với 3,8 tỷ USD.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu cho thấy tình trạng thanh khoản dồi dào. Lãi suất qua đêm đạt 0,7%, dưới ngưỡng 1% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2016 và ngang với mặt bằng lãi suất cùng kỳ năm 2016. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng cũng đang được giao dịch ở các mức 0,8%, 2,0% và 3,5%, thấp nhất kể từ đầu năm 2017.

Ngoài ra, tín hiệu thanh khoản tốt còn được thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trở lại sau 4 tháng. Trong 5 phiên liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 37 nghìn tỷ tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, đây là lượng tiền lớn phát hành trong một thời gian ngắn. Lãi suất tín phiếu giảm nhanh sau mỗi phiên phát hành, từ 1,3% trong ngày đầu tuần xuống 0,5% vào ngày cuối  tuần - mức thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 1,5 - 1,75% của cùng kỳ năm 2016.