Điểm nhấn kinh tế Việt Nam năm 2015 và triển vọng năm 2016

TS. Nguyễn Minh Phong

Nhìn chung, năm 2015, Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và phát triển kinh tế đối ngoại trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp toàn cầu. Thời gian tới, nhiều kỳ vọng mới sáng sủa hơn đang hé mở…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đạt 13/14 chỉ tiêu và GDP vượt mức kế hoạch cả năm 2015

Điểm nhấn tích cực nổi bật là GDP năm 2015 ước tăng hơn 6,50%, với mức tăng quý sau cao hơn quý trước và lần đầu tiên trong 5 năm qua vượt mức kế hoạch đặt ra(năm 2014, Việt Nam đạt kế hoạch tăng GDP, còn 3 năm liên tiếp trước đó không đạt kế hoạch).

Trong năm 2015, công nghiệp luôn là động lực mạnh cho nền kinh tế và ghi nhận sự cải thiện ở hầu hết các chỉ số: So với cùng kỳ năm trước, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng qua tăng 9,7% (cao hơn nhiều mức tăng 7,5% cùng kỳ năm 2014); Chỉ số tiêu thụ tiếp tục tăng.Chỉ số tồn kho thấp hơn cùng kỳ năm trước.

2015 là năm không có nhiều thuận lợi với nông nghiệp; nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam bị giảm cả về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu và giá cả, so với năm trước, như thủy sản, gạo, cao su và cà phê…

Mặc dầu vậy, thị trường cuối năm 2015 ghi nhận sự cải thiện về giá và tăng nhẹ đàn trâu, bò, lợn và gia cầm, cũng như hoạt động tái đàn, nhất là đàn bò sữa.

Diện tích rừng trồng tập trung và phân tán, sản lượng gỗ và củi khai thác củi khai thác đều tăng. Diện tích rừng bị thiệt hại giảm 51% so cùng kỳ năm 2014 (rừng bị cháy giảm 65,4%; nhưng rừng bị chặt phá tăng 13,9%).

GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là hơn 5.600 USD). Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP chiếm 82,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn45%. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 28,94%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm.

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc.Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6% vào năm 2015.Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so năm 2010.

Đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015,đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Tính chung11tháng năm 2015, cả nước có222,9nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 28,6% so cùng kỳ năm trước, tương ứng925,3nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm30,4%.

Lạm phát thấp nhất trong 14 năm qua và nhập siêu trở lại

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 0,58% so với tháng 12/2014 và tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng năm nay tăng 0,64% so cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 11-2015 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2015 tăng 2,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2014 và thấp nhất trong 14 năm qua.

Lạm phát thấp chủ yếu do hiệu ứng của chính sách đầu tư công; sự tuân thủ quy luật lưu thông tiền tệ; nỗ lực cải thiện môi trường và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; gia tăng các hoạt động khuyến mãi, giảm giá, quản lý thương mại và hoạt động bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, cũng như do giá nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào thế giới.

Riêng Chỉ số giá USD tháng 11/2015 giảm 0,31% so với tháng trước, tăng 4,61% so với tháng 12/2014 và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2014 và gắn với hệ quả các đợt điều chỉnh tỷ giá trong nước và quốc té trước đó.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng tăng 9,4% (loại trừ yếu tố giá tăng8,3%) so cùng kỳ. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 8,3%, ước đạt 148,7 tỷ USD.

Động lực xuất khẩu vẫn nghiêng về khu vực FDI, với kim ngạch 105,1 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng 13,5%, trong khi khu vực kinh tế trong nước giảm 2,6%. Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tăng 13,7%, đạt 152,5 tỷ USD, và ghi nhận mức tăng ở cả 2 khu vực kinh tế trong nước(đạt 62,3 tỷ USD, tăng 8%) và khu vực FDI (90,2 tỷ USD, tăng 18,1%).

Tháng 10, cả nước xuất siêu 500 triệu USD, còn tính chung 11 tháng, nhập siêu 3,8 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,8 tỷ USD.

Thu hút khách quốc tế tháng 11-2015 ước tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong 11 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 7071,4 nghìn lượt người, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm trước và hy vọng sẽ đạt kế hoạch nhờ tăng mạnh trong dịp Noel và lễ Tết cuối năm.

Thị trường tài chính ổn định, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%

Thị trường tài chính - tiền tệ năm 2015 ghi nhận những quyết sách lớn của NHNN về điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá đồng USD so với VND. Trong năm 2015, NHNN điều chỉnh tỷ giá chính thức thêm 3% và nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%;hạ trần lãi suất tiền gửi bằng USD và bán ra USD can thiệp thị trường sau mỗi lần điều chỉnh nâng tỷ giá.

Kiểm soát nợ xấu tín dụng ở Việt Nam có cải thiện tích cực theo hướng cơ cấu và quy mô nợ xấu được nhận diện chính xác và đầy đủ hơn, giảm về tỷ lệ và gia tăng các biện pháp xử lý quyết liệt, toàn diện và mang tính thị trường hơn.

Hiện nay, Việt Nam đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng và TCTD mới; Nới “room” tỷ lệ sở hữu cổ phần và nới lỏng định mức và điều kiện sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn đầu tư hoặc sinh sống ở Việt Nam;

Gia tăng kiểm soát giảm thiểu quy mô, mặt trái của tình trạng sở hữu chéo và tình trạng sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ cho phép, tăng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh ngân hàng; thúc đẩy các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện và bắt buộc theo quy định của pháp luật, trong đó có cả việc NHNN mua lại ba NHTM với giá 0 đồng; khuyến khích mua bán nợ và công cụ nợ phái sinh trên thị trường thứ cấp;

Mở rộng khả năng cho các công ty mua bán nợ (VAMC) tiến hành mua - bán nợ xấu theo đúng giá trị và cơ chế thị trường; tăng trần hạn mức tín dụng và cho phép khoanh nợ, giãn nợ và xóa một số khoản nợ xấu, mở rộng cho vay và nới lỏng hơn điều kiện vay...

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 31,2% GDP. Đến 15-11, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 194,1 nghìn tỷ đồng, bằng 92,2% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng thu NSNN đạt 807nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán. Tổng chi NSNN ước đạt 83,9% dự toán năm, trong đó nổi bật là chi trả nợ và viện trợ132,9nghìn tỷ đồng, bằng88,6%dự toán.

Nợ công dự kiến chiếm 61,3% GDP năm 2015. Nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh hiện chiếm 11,4% GDP, khoảng 19% tổng nợ công, tức hơn 21 tỷ USD.

Tổng nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện bằng 1,41 lần vốn chủ sở hữu, trong giới hạn quy định là không quá ba lần. Dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011.Nợ xấu ngân hàng giảm còn khoảng 2,9% tổng dư nợ toàn ngành so với mức trên 17% năm 2011.

Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010.

Môi trường kinh doanh, chỉ số cạnh tranh và hội nhập quốc tế có nhiều khởi sắc

Năm 2015 môi trường và cơ hội kinh doanh có sự cải thiện đáng kể nhờ sự ấm trở lại của thị trường bất động sản, tăng sức mua thị trường trong nước và giảm nhẹ chi phí kinh doanh, giảm thuế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và xóa bỏ hơn 6.700 điều kiện kinh doanh, 420 giờ nộp thuế của doanh nghiệp. Đến nay, hơn 98% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp đã nộp thuế theo phương thức điện tử; hơn 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử;.

Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt khu vực doanh nghiệp trong nước cả về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; số vốn đăng ký và số vốn tăng thêm và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng mạnh.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động giảm, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thu hút FDI đang có sự cải thiện rõ rệt cả về vốn đăng ký mới, vốn mở rộng và vốn thực hiện, cũng như cơ cấu lĩnh vực và chủ đầu tư. Tính đến 20-11-2015, cả nước có 1855 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký 13,55 tỷ USD, tăng 30% về số dự án và tăng 1,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014; có 692 lượt dự án mở rộng vốn đạt 6,67 tỷ USD.

Tổng vốn đăng ký mới và vốn mở rộng đạt 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện ước đạt 13,20 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đến ngày 10/11/2015, cả nước có 408/471 DNNN được cổ phần hóa (CPH) thành công. Dự kiến năm 2015 sẽ CPH được 210 DNNN, đạt 90% kế hoạch toàn giai đoạn 2011 - 2015.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Kết quả thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tính đến 10 tháng đầu năm 2015 được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách.

Nhờ những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và cơ hội thị trường mới, khu vực doanh nghiệp đang tiếp tục được cải thiện cả về số đăng ký thành lập mới, số quay lại hoạt động, cũng như giảm bớt số chấm dứt hoạt động và phá sản.

Tính chung 11 tháng, cả nước có 86.853 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 538,7 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% về số doanh nghiệp và tăng 37,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, có 742,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm. Số lao động dự kiến được tạo bởi các doanh nghiệp thành lập mới tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 18646 doanh nghiệp, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 8.468 doanh nghiệp, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 62.713 doanh nghiệp, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy bức tranh khu vực doanh nghiệp trong nước không chỉ có màu hồng.

Năm 2015 chứng kiến những sự kiện lớn về kinh tế đối ngoại của Việt Nam, như ký FTA Việt Nam-Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazaxtan; kết thúc chính thức đàm phán FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam EU và TPP; hình thành AEC.

Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thị trường thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia trong Nhóm G-20. Việt Nam cũng đã được 59 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường…

Triển vọng kinh tế năm 2016

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 với những mục tiêu như: Tốc độ tăng GDP năm 2016 đạt 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát dưới 5%, vốn đầu tư toàn xã hội bằng 31% GDP.

Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 2-12, khẳng định, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài và triển vọng trung hạn được đánh giá là tích cực.

Theo đó dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 đạt 6,5% và năm 2016 đạt 6,6%, với động lực phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Triển vọng đà tăng trưởng của Việt Nam là tích cực và lạm phát sẽ ở mức thấp.

Ngân hàng ANZ cũng đánh giá Việt Nam được đánh giá là “ánh sáng hiếm hoi” trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi và là một trong ba nền kinh tế hứa hẹn về tăng trưởng ở châu Á, dù có thể đi kèm theo thâm hụt cán cân vãng lai nhẹ trong trung hạn.

Fitch Ratings tháng 11-2015, công bố đánh giá tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ (IDRs) của Việt Nam ở mức BB- với triển vọng ổn định. Xếp hạng trái phiếu nội tệ và ngoại tệ không có bảo đảm cùng mức giá trần của Việt Nam cũng đều ở mức BB-, trong khi chỉ số IDRs ngắn hạn đạt mức B.

Xếp hạng IDRs với triển vọng ổn định của Việt Nam phản ánh sự cân bằng giữa sự ổn định và triển vọng của nền kinh tế vĩ mô thời gian gần đây với ​tỷ lệ nợ công cao, thâm hụt ngân sách khá lớn và các chỉ số cấu trúc tương đối yếu. Thâm hụt ngân sách trong năm 2016 sẽ đạt con số khiêm tốn là 5,4% GDP.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoàn thành chương trình của Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới vào cuối năm 2017, một chương trình đòi hỏi nguồn tài chính từ thị trường trong tương lai…