Điểm sáng xuất khẩu thủy sản 2013

Theo baohaiquan,vn

(Tài chính) Năm 2013, trong khi giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp sụt giảm mạnh thì thủy sản vẫn vươn lên ngoạn mục, đạt giá trị xuất khẩu xấp xỉ 7 tỷ USD, với mức tăng trưởng khoảng 10,7%.

Điểm sáng xuất khẩu thủy sản 2013
Trong năm 2013, mọi lĩnh vực của ngành thủy sản đều sáng sủa hơn năm 2012. Nguồn: internet
Sản lượng tôm thứ ba thế giới

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tổng sản lượng thủy sản cả năm 2013 ước đạt 6,05 triệu tấn, tăng 2,1% so với năm 2012, cơ bản đạt kế hoạch về sản lượng đề ra. Trong đó sản lượng khai thác đạt 2,71 triệu tấn, tăng 2,2%; sản lượng nuôi trồng đạt 3,34 triệu tấn, tăng 2%.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá: Trong năm 2013, mọi lĩnh vực của ngành thủy sản như khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu đều sáng sủa hơn năm 2012. Trong đó, xuất khẩu tăng vượt trội, đạt xấp xỉ 7 triệu USD với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10,7%.

Theo ông Lưu Văn Huy, Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản: Năm qua, điểm nổi bật nhất của xuất khẩu thủy sản là sự vươn lên bất ngờ của tôm thẻ chân trắng. Theo tổng hợp của 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ trên cả nước, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2013 đạt hơn 66 nghìn ha, tăng 57,9% về so với năm 2012, sản lượng đạt 280 nghìn tấn, tăng 50,5%.

Với những con số ấn tượng trên, lần đầu tiên tôm thẻ chân trắng vượt qua tôm sú cả về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Nhờ đó, tôm của Việt Nam đã bù đắp được sản lượng tôm bị sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2013 đã đạt mốc 2,5 tỷ USD, tăng tới hơn 33% so với năm 2012 và vươn lên chiếm tới 44% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

“Trái ngược với những thắng lợi giòn giã ở mặt hàng tôm, 2013 lại là năm đầy ảm đạm đối với sản xuất và xuất khẩu cá tra, khi giá cá tra xuất khẩu luôn trong xu hướng liên tục giảm”, ông Huy nhấn mạnh. Hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn, môi trường ngày càng khắt khe. Nhiều vùng nuôi cá tra bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết.

Những khó khăn trên đã khiến diện tích cá tra giảm tới 17,5% về diện tích nuôi, sản lượng chỉ đạt 1,15 triệu tấn - giảm 7,6% so với năm 2012. Cùng với cá tra, tôm sú cũng là đối tượng giảm cả về diện tích và sản lượng (diện tích giảm 13 nghìn ha, sản lượng giảm 34 nghìn tấn so với năm 2012).

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại 

Theo ông Lưu Văn Huy, những thành quả có được trong năm 2013 phần lớn là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành khá kịp thời của Tổng cục Thủy sản nói riêng cũng như Bộ NN&PTNT nói chung. Nắm bắt được nguồn cung tôm trên thị trường thế giới có nguy cơ mất cân đối do sản lượng tôm tại nhiều nước sản xuất tôm chính (như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Mexico...) giảm mạnh, Tổng cục Thủy sản đã nhanh chóng thông tin, hướng dẫn người nuôi tôm và DN xuất khẩu tôm chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng, tăng nhanh diện tích, tăng vụ, tận dụng cơ hội giá tôm xuất khẩu gần như cao gấp đôi so với năm 2012.

Bên cạnh đó, trước việc Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh của Mỹ (COGSI) đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Mỹ đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã tích cực tham gia, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin, chuẩn bị các phương án ứng phó với vụ kiện chống trợ cấp này.

Kết quả, ngày 20/9/2013, Bộ Thương mại Mỹ đã khẳng định sản phẩm tôm của Việt Nam không bán phá giá. Ngay sau khi có kết luận này, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh đã tiếp tục nắm bắt, theo dõi sát sao, đi đôi với hướng dẫn để sản xuất tôm vụ 3 không phá vỡ quy hoạch cũng như phòng ngừa dịch bệnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Điền nhấn mạnh: Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, năm 2013, ngành thủy sản Việt Nam thắng lớn một phần là do cháy nhà hàng xóm nên mình được nhờ. Do các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan… vướng vào dịch bệnh, Việt Nam mới có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản. Do đó, trong năm 2014, để ngành thủy sản giữ được đà, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án xúc tiến thương mại cho tất cả mặt hàng nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng.

Ông Điền cho biết, theo đề án, mục tiêu đầu tiên đặt ra là đẩy mạnh xúc tiến thương mại cá tra. Hai thị trường tiềm năng đang tiến hành xúc tiến và sẽ tăng trong năm tới là Trung quốc và Ấn độ. Ngoài ra, cá tra phải phát triển mạnh cả thị trường trong nước. Thực tế là, mặc dù cá tra rất ngon nhưng từ thành thị tới nông thôn đều không xuất hiện mặt hàng này. Mục tiêu đặt ra của đề án là đến năm 2015, phải tăng 100% lượng cá tra tiêu thụ nội địa.

“Thiếu sót lớn trong nhiều năm qua là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu riêng, không được thế giới biết đến nên giá xuất khẩu thấp. Nhiều quốc gia nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, sơ chế qua, chỉ dán thêm nhãn mác mới là đã đẩy giá bán tăng lên gấp nhều lần. Do đó, định hướng của Tổng cục Thủy sản là sẽ quyết liệt, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho hàng thủy sản Việt Nam để nâng cao giá trị xuất khẩu, giúp ngành phát triển bền vững hơn”, ông Điền nói.

Đối với tôm, mặc dù năm 2013 tôm thẻ chân trắng thắng lớn nhưng Tổng cục Thủy sản vẫn chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân phải duy trì diện tích, sản lượng tôm sú vì đây là mặt hàng độc quyền, ưu thế của Việt Nam. Các địa phương cũng cần rà soát kỹ, khuyến cáo bà con nông dân nuôi trồng vừa phải, tránh tình trạng năm 2014 được mùa mất giá do các nước khác khắc phục được dịch bệnh tôm chết sớm, dẫn tới giá xuất khẩu tôm thẻ chân trắng giảm xuống.