Điểm sự kiện kinh tế - tài chính trong nước nổi bật tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật trong nước tuần vừa qua (từ 06/8 - 10/8/2018).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong vài năm tới 
Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service, kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong vài năm tới và hỗ trợ nợ chính phủ ở mức ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam sẽ đạt 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, cao gần 2 lần mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay).
Mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam. Tuy vậy, những rủi ro trong hệ thống ngân hàng, tình trạng dễ biến động phá vỡ chu kỳ ổn định của thị trường tài chính vẫn là một rào cản đối với việc lan tỏa sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. 

Chi phí thủ tục thuế thấp nhất trong các nhóm thủ tục hành chính

Trong 8 lĩnh vực được khảo sát của Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI), việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018. Tính đến phiên họp Chính phủ tháng 7/2018, các bộ, cơ quan mới cắt giảm 900 điều kiện (12%).
Trong 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng với doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; Thuế; Đầu tư; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Hải quan; Đất đai; Môi trường; Xây dựng, vị trí quán quân thuộc về nhóm thủ tục thuế với chi phí tuân thủ trung bình của một lần thực hiện là 73,75 nghìn đồng; Thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục thuế chỉ là 2,9 giờ làm việc. Nhóm thủ tục hải quan đứng thứ ba trong bảng xếp hạng với chi phí tuân thủ trung bình là 3,5 triệu đồng. Thời gian thực hiện thủ tục là 12,1 giờ làm việc.
Tính đến ngày 22/8, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 2.300 tỷ đồng
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, xăng E5 RON92, RON95-III được giữ ổn định giá, trong khi dầu diesel 0,05S tăng 148 đồng/lít, dầu hỏa giảm 116 đồng/lít và dầu mazút 3,5S giảm 270 đồng/kg. Như vậy, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 19.611 đồng/lít và xăng RON95-III không cao hơn 21.177 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel 0.05S có mức trần mới là 17.688 đồng/lít, dầu hỏa là 16.263 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 14.743 đồng/kg. Tính đến 15h ngày 22/8, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn 2.300 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với kỳ công bố ngày 07/8.
Đến năm 2020, có 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online 
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen, thế hệ Z (những người sinh năm 1996 - 2000), nhóm chiếm 21% lực lượng lao động ở Việt Nam vào năm 2025 có tỷ lệ kết nối internet thường xuyên lên đến 21%, cao gấp 2 lần so với thệ hệ Millennial (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000). Cùng với đó, gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm. Dự kiến, đến năm 2020, có 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online, đạt giá trị trung bình 350 USD/người/năm.