Điểm tin tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số tin tức tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần vừa qua (từ 14-18/5/2018).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thu NSNN tháng 4/2018 đạt khoảng 110,9 nghìn tỷ đồng 
Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN tháng 4/2018 đạt khoảng 110,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 4 tháng đạt khoảng 446,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% dự toán năm, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa 4 tháng đạt khoảng 368,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán năm, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (không kể các khoản thu có tính chất đặc thù thì đạt khoảng 281,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017). Thu từ dầu thô khoảng 19,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt khoảng 90 nghìn tỷ đồng, bằng 31,8% dự toán năm, giảm 2,9 so với cùng kỳ năm 2017.
Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (31 nghìn tỷ đồng), số thu đạt khoảng 59 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2017.
Việt Nam - một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 30 năm đổi mới và mở cửa với quốc tế (1987 - 2018), Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Tính đến tháng 4/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 25.524 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD, đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khu vực FDI đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 20% GDP của cả nước. Khu vực này cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực
Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017 - 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế... Doanh số thương mại điện tử chiếm 3,6% tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 14,5%. Nếu tận dụng được công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính doanh nghiệp Việt Nam tạo nên.
4 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất-nhập khẩu cả nước đạt 143,89 tỷ USD 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu cả nước đạt 143,89 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 73,89 tỷ USD, tăng 19,2% và nhập khẩu đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam có 18 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 thị trường đạt trên 2 tỷ USD) và 11 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 2 tỷ USD. Với kết quả xuất - nhập khẩu nêu trên, cán cân thương mại hàng hóa của nước 4 tháng đầu năm 2018 thặng dư 3,89 tỷ USD.
Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 
Theo Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhanh nhất trong số các nước xếp hạng tín dụng BB. Ngoài ra, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể tăng từ 49 tỷ USD trong năm 2017 lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, trong khi nợ công có thể giảm xuống dưới 50% GDP trước năm 2019.