Điểm tin tài chính - kinh tế trong nước tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số tin tức nổi bật về tình hình tài chính - kinh tế trong nước tuần vừa qua (từ ngày 21/8 đến 25/08/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020
Tại cuộc hội đàm ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã trao đổi về các chủ trương, biện pháp để thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời khẳng định cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020 thông qua tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt; kế hoạch triển khai hợp tác 2017 - 2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính của tổ chức kinh doanh chứng khoán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 87/2017/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo kế hoạch, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ mới, điển hình như: Các sản phẩm chứng khoán phái sinh, chứng quyền bảo đảm, công cụ đầu tư tài chính nước ngoài, lập chi nhánh nước ngoài...

Thông tư đã bổ sung công thức tính vốn khả dụng phù hợp với những hoạt động kinh doanh mà công ty chứng khoán được phép thực hiện trong thời gian tới; hệ số rủi ro cho một số tài sản tài chính mới; cập nhật lại phụ lục tính toán chỉ tiêu an toàn tài chính theo chế độ kế toán mới. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải đáp ứng nghiêm ngặt chế độ báo cáo bất thường.

Đồng thời, Thông tư quy định chi tiết hơn về các mức độ cảnh báo (cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt), đồng thời bổ sung thêm nhiều quy định về trách nhiệm của các bên liên quan. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, thay thế Thông tư số 226/2010/TT-BTC và Thông tư số 165/2012/TT-BTC.

Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tới hết quý II/2017 đạt gần 3.976 tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền trích Quỹ bình ổn giá trong quý II/2017 là trên 1.405 tỷ đồng. Số dư Quỹ bình ổn giá tới hết quý II đạt gần 3.976 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo thống kê tại 27 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, số dư quỹ lớn nhất là Petrolimex với hơn 2.552 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội với xấp xỉ 358 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có số dư lớn như: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) dư trên 305 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) dư trên 290 tỷ đồng.
Mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam 
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam diễn ra ngày 21/8 ở Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Thực hiện cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch, đặc biệt là cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn; Áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại và công bố thông tin công khai, minh bạch; Bảo đảm hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường; Tăng cường giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Giảm mạnh tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các DNNN cổ phần hóa; Cho phép dành tỷ lệ lớn để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; Yêu cầu các DNNN cổ phần hóa niêm yết trên TTCK.
Theo kế hoạch sẽ hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp trong năm 2017; 64 doanh nghiệp trong năm 2018 và 18 doanh nghiệp trong năm 2019.
8 tháng 2017, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 250,32 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/8/2017, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 250,32 tỷ USD, tăng 20,8% (tương ứng tăng hơn 43,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 thâm hụt 3 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 8/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó:

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 đạt gần 8,63 tỷ USD, giảm 8,4% (tương ứng giảm 789 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 123,94 tỷ USD, tăng 18,8% (tương ứng tăng hơn 19,65 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 đạt gần 8,63 tỷ USD, giảm 4% (tương ứng giảm 356 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 126,38 tỷ USD, tăng 22,9% (tương ứng tăng gần 23,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.