Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 và dự báo năm 2014 (*)

Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế - Tài chính

(Tài chính) Dựa vào việc xem xét các yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhiều tổ chức và các chuyên gia dự báo mức tăng CPI trong năm 2014 sẽ ở mức thấp hơn 7%. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các yếu tố có thể tác động đến thị trường hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến CPI năm 2014.

Diễn biến chỉ số giá trong năm 2013

Nhìn lại diễn biến giá tiêu dùng năm 2013

CPI trong năm 2013 là một trong những thành tích nổi bật trong công tác điều hành của Chính phủ. Chỉ tiêu này phản ánh thành công của việc bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Diễn biến CPI trong năm vừa qua thể hiện qua biểu đồ sau đây:  

BIỂU ĐỒ 1: DIỄN BIẾN CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2013

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 và dự báo năm 2014 (*) - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tháng 2/2013 là tháng có chỉ số CPI cao nhất với mức 1.32% và tháng 3/2013 có chỉ số CPI thấp nhất với mức -0,19% trong năm 2013. Tháng 2 có chỉ số CPI tăng cao phù hợp với diễn biến giá tiêu dùng hàng năm khi chuẩn bị và đón Lễ Tết truyền thống thì giá các hàng hóa đều tăng cao; Sau nhiều tháng tăng liên tiếp, chỉ số CPI tháng 3/2013 đã giảm 0,19% so với tháng 2/2013 và chỉ còn tăng 2,38% so với tháng 12/2012, tăng 6,64% so với tháng 3/2012. Theo đó, bình quân CPI quý I/2013 cũng thấp hơn bình quân quý I từ năm 2004 đến năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Tháng 3 có chỉ số CPI giảm mạnh được giải thích là kết quả tổng hợp của những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ, nhu cầu sau Tết giảm, các doanh nghiệp đang tập trung xử lý hàng tồn kho, nguồn cung dồi dào. Mặt khác, mặt bằng giá tiêu dùng đã ở mức cao.

Sau khi CPI tăng trở lại ở tháng 4/2013 với mức tăng là 0,02% thì chỉ số CPI tiếp tục giảm nhẹ 0,06% vào tháng 5/2013. Chỉ số CPI tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng 5/2013 và tăng 6,69% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2012. Tuy không giảm như tháng 6/2012 và tháng trước, nhưng CPI tháng 6/2013 vẫn là tháng tăng thấp, thấp hơn tốc độ tăng bình quân tháng trong 5 tháng đầu năm (tăng 0,47%) và thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân tháng 6 giai đoạn 2004 - 2012 (tăng 0,69%).

Mức tăng CPI tiếp tục duy trì và tăng cao vào cuối quý III/2013. Chỉ số CPI tháng 9/2013 tăng 1,06% so với tháng trước. CPI tháng này tăng chủ yếu do các yếu tố sau: (1) Giá điện được điều chỉnh tăng thêm 5% từ ngày 01/8/2013; (2) Một số địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí; (3) Nhu cầu tiêu dùng vật phẩm phục vụ học tập của học sinh vào năm học mới tăng cao[1]. Riêng mức tăng của chỉ số giá nhóm giáo dục làm CPI chung cả nước tăng 0,54%.

Trong 3 tháng cuối năm, chỉ số CPI giữ mức tăng nhẹ (tháng 10/2013 tăng 0,49%; tháng 11/2013 tăng 0,34% và tháng 12/2013 tăng 0,51%).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng tháng 12/2013, trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có chỉ số giá tháng tăng cao nhất với mức tăng 2,31%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,57%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,49% (Lương thực tăng 1,22%; thực phẩm tăng 0,38%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08% (Dịch vụ y tế tăng 0,02%); giáo dục tăng 0,02%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm gồm: Giao thông giảm 0,23%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

Năm 2013 là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. CPI bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012. Trong năm nay, chỉ số CPI tăng cao vào quý I và quý III với mức tăng bình quân tháng là 0,8%; quý II và quý IV, CPI tương đối ổn định và tăng ở mức thấp với mức tăng bình quân tháng là 0,4%[2].

“Nhận diện” nguyên nhân chỉ số CPI năm 2013 tăng

Một là, giá một số mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo kế hoạch và theo cơ chế thị trường: Trong năm có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số chung cả nước gần 1,1%; các địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí làm làm CPI nhóm giáo dục tăng 11,71%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%; giá xăng dầu được điều chỉnh tăng/giảm và cả năm tăng 2,18%, góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,08%; giá điện điều chỉnh 2 đợt (tháng 1 và tháng 8/2013) tăng 10%, đóng góp vào CPI chung khoảng 0,25%. Bên cạnh đó, giá gas tăng mạnh 2 đợt (tháng 7 và tháng 12), cả năm tăng gần 5%, đóng góp vào CPI cả nước với mức tăng 0,08%.

Hai là, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cho sản xuất tăng vào dịp cuối năm.

Ba là, ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, khiến cho giá cả tăng cục bộ ở một số tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng bão và ảnh hưởng lan truyền sang các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, mức tăng CPI năm 2013 thấp so với các năm trước đó được giải thích như là kết quả tổng hợp từ nhiều yếu tố:

Kết quả điều hành chính sách kịp thời của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý giá thị trường, điều hòa cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI và kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013,

Nguồn cung dồi dào trong khi tổng cầu thấp. Sức mua trên thị trường không cao do sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2013 ước tăng 12,6%, loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6%, thấp hơn so với năm 2012 (tăng 6,2%). Trong khi đó, chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012. Mức tăng này đã thấp hơn nhiều so với 2 năm trước (Cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%) nhưng vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, mức tăng thấp này của chỉ số CPI trong năm 2013 còn do mặt bằng giá thế giới thấp.

Dự báo diễn biến CPI năm 2014

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2014

Trong năm qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát sau khi Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, thực hiện các chính sách, biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012.

Theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ có nhiều thuận lợi như: Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thu hút đầu tư; Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới; Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua sẽ phát huy tác dụng trong năm tới, và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng khá hơn trong 2014 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và diễn biến phức tạp đó có ảnh hưởng tới kinh tế nước ta. Doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn, nhất là khu vực nông nghiệp. Cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển (30% GDP), trong khi tăng trưởng kinh tế trong 2014 vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư do chưa cải thiện được nhiều năng suất và hiệu quả.

Dựa trên những nhận định về tình hình kinh tế năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014- 2015 được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra, chỉ tiêu về GDP năm 2014 sẽ tăng khoảng 5,6% - 5,8%.

Dự báo CPI năm 2014

Trong thời gian tới thị trường hàng hóa có thể chịu tác động của một số yếu tố sau

Các yếu tố gây áp lực tăng giá

Một là, sang quý I/2014, chỉ số CPI có khả năng sẽ tăng cao hơn các tháng cuối năm 2013 do nhu cầu mua sắm cuối năm và nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm cũng như hàng hóa khác phục vụ Tết Nguyên đán tăng. Mặt khác yếu tố mùa vụ (thời tiết lạnh tại khu vực phía Bắc) kết hợp với dịp Lễ Tết nên nhu cầu đối với một số mặt hàng thực phẩm, nhiên liệu, may mặc, mũ nón, giầy dép, giao thông… tăng có thể tác động gây tăng giá.

Hai là, điều chỉnh chính sách vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng: nới tỷ lệ thâm hụt ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% so với GDP; phát hành thêm trái phiếu Chính phủ sẽ làm lượng tiền trong lưu thông tăng lên.

Ba là, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ giai đoạn 2014 - 2015: điều chỉnh tăng giá điện, phí dịch vụ giáo dục, y tế... cùng với lộ trình tăng lương sẽ có tác động mạnh tới mặt bằng giá các loại hàng hóa dịch vụ trong nước cũng điều chỉnh theo.

Bốn là, nhập khẩu có thể tăng cao hơn năm 2013 với xu hướng tăng trưởng khá hơn; tỷ giá USD/VND tăng do những thay đổi chính sách tiền tệ của FED và một số nước có thể tác động phần nào đến cung cầu ngoại tệ và qua đó gây sức ép lên tỷ giá có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa nhập khẩu tăng trong năm tới.

Năm là, tình hình diễn biến thiên tai, dịch bệnh phức tạp cũng làm biến động thị trường giá cả các hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, tình trạng mưa bão, lũ lụt làm giá hàng hóa thực phẩm tăng cục bộ tại một số địa phương cũng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung trên thị trường;

Sáu là, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi cũng góp phần khiến giá cả hàng hóa cao hơn, gây sức ép làm gia tăng chỉ số CPI trong nước.

Các yếu tố gây áp lực giảm giá

Một là, do sức mua của người dân còn yếu, tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập còn hạn chế của người dân vẫn chưa được cải thiện, cùng với xu hướng giảm lãi suất, các biện pháp điều hành thị trường và nhiều mặt hàng thiết yếu (lương thực, đường, thép, xi măng...) giá vẫn tương đối ổn định trong thời gian qua nên mặt bằng giá hàng hóa chung ít có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới.

Hai là, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đăng ký mới cùng với việc bội thu trong 2 vụ Hè – Thu và Đông – Xuân hứa hẹn nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào làm giảm áp lực tăng giá.

Ba là, giá hàng hóa thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm. Ngân hàng Thế giới dự báo trong năm 2014, giá năng lượng giảm 1%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm 0,3%.

Bốn là, dựa vào việc xem xét các yếu tố tác động đến chỉ số CPI, nhiều tổ chức và các chuyên gia dự báo mức tăng CPI trong năm 2014 sẽ ở mức thấp hơn 7%. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, phấn đấu chỉ số CPI mức tăng khoảng 7% trong năm 2014.

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra cần thận trọng trong việc điều hành giá cả đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… nhằm tránh tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá cùng thời điểm sẽ tạo ra các tác động tiêu cực lên CPI trong năm 2014.


[1] Tình hình kinh tế xã hội năm 2013, Tổng cục Thống Kê

[2] Tình hình kinh tế xã hội năm 2013, Tổng cục Thống Kê

(*) Bài viết được trích từ Tham luận Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2013 và dự báo năm 2014 do Viện Kinh tế - Tài chính và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 30/12/2013. Lời dẫn do FinancePlus.vn viết.