Diễn biến giá cả năm 2012 và xu hướng năm 2013

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Diễn biến lạm phát của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây cho thấy việc dự báo lạm phát là rất khó khăn, biến động khó lường.

Diễn biến giá cả năm 2012 và xu hướng năm 2013
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Nhìn lại diễn biến giá năm 2012

Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2012 diễn biến ngoài dự kiến và không tuân theo quy luật của những năm trước đó: Ngoại trừ 2 tháng đầu năm, lạm phát tăng cao do yếu tố mùa vụ với mức tăng lần lượt là 1% và 1,37% so với tháng trước, chỉ số CPI từ tháng 3 tới tháng 8 chỉ tăng rất chậm.

Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7/2012, lạm phát đã ở mức âm (với mức tăng CPI lần lượt là -0,26% và -0,29% so với tháng trước). Qua đó, lạm phát so với cùng kỳ cũng đã giảm nhanh từ 17,27% vào tháng 1/2012 xuống mức 5,04% trong tháng 8/2012. Vào thời điểm đó, xu hướng trên của lạm phát đã làm dấy lên mối quan ngại về suy giảm kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 9, lạm phát đã đảo chiều hoàn toàn với mức tăng trong 2 tháng lần lượt là 0,63% và 2,2% so với tháng trước. Đặc biệt, mức tăng của lạm phát tháng 9 (2,2%) còn vượt ngoài dự báo của nhiều chuyên gia. Song bước sang những tháng cuối năm 2012, lạm phát đã hạ nhiệt, mức tăng CPI trong 3 tháng 10, 11 và 12 lần lượt là 0,85%, 0,47% và 0,27% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2012, lạm phát tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn so với mức tăng của năm 2011 (18,13%) và năm 2010 (11,75%). Như vậy là lạm phát năm 2012 đã dừng ở mức dưới 7% - đạt được mục tiêu của Quốc hội đề ra.

Diễn biến giá cả của từng nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa tính CPI, năm 2012 có thể thấy có sự khác biệt đáng kể so với các năm trước đó, cụ thể:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mức đóng góp của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vào mức tăng CPI chung đã có sự suy giảm đáng kể so với những năm trước. Cụ thể, tính chung cả năm 2012, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lần đầu tiên chỉ tăng 1% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào mức tăng chung của cả năm chỉ là 0,4%, thấp hơn so với những năm trước. Nguyên nhân là do trong năm 2012, nhóm hàng lương thực và thực phẩm đã trải qua một đợt giảm giá kéo dài trong 6 tháng liên tiếp (từ tháng 3 đến tháng 8) với mức giảm từ -0,14% tới -0,83%. Mặc dù, CPI nhóm lương thực thực phẩm trong nước đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 9 và tháng 10 (với mức tăng so với tháng trước lần lượt là 0,08% và 0,29%), nhưng đến tháng 11, nhóm hàng này đã giảm giá trở lại (-0,08%). Xu hướng này cũng khá phù hợp với giá lương thực thế giới khi giá lương thực thực phẩm thế giới cũng đã tăng nhẹ vào tháng 9 với mức tăng 0,64% so với tháng 8/2012, nhưng sang tháng 10 và 11 đã giảm trở lại (mức giảm lần lượt là 0,33% và 0,65%).

Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng CPI chung của năm 2012 là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế. Tuy chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong rổ hàng hóa (xấp xỉ 6%), nhưng chỉ số giá của nhóm hàng này cả năm tăng tới 45,23%, đóng góp 2,5% trong tổng số 6,81% chung cả năm. Nguyên nhân là do nhóm hàng này đã có sự điều chỉnh giá rất mạnh trong năm 2012, đặc biệt trong tháng 9 với mức tăng 17,02% so với tháng trước.

Cùng với nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, các nhóm hàng có mức đóng góp cao vào mức tăng CPI chung của năm 2012 là “giáo dục”, “nhà ở và vật liệu xây dựng”, “giao thông”.

Tính đến hết tháng 12/2012, nhóm “giáo dục” cũng tăng tới 16,97% và đóng góp thêm 1,14% tăng chung cả năm, chỉ sau nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Nguyên nhân là do nhóm hàng này đã có sự điều chỉnh giá rất mạnh vào tháng 9/2012 (tăng 10,5% so với tháng trước).

Nhóm hàng “giao thông” dù đã trải qua 2 tháng liên tiếp giảm giá (vào tháng 6 và tháng 7 với mức giảm lần lượt là -1,64% vả -2,71%). Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, nhóm giao thông đã tăng giá liên tiếp trở lại, với mức tăng cao nhất được ghi nhận vào tháng 9 (3,83%). Tuy trong tháng 10 và tháng 11, tốc độ tăng giá của nhóm hàng giao thông đã hạ nhiệt (với mức tăng lần lượt là 0,61% và 0,03%) nhưng tỷ trọng đóng góp của nhóm hàng này trong mức tăng CPI chung tính đến hết tháng 12 năm 2012 vẫn ở mức khá cao (8,8%).

Nguyên nhân nhóm hàng giao thông tăng giá trở lại (đặc biệt trong tháng 9) chủ yếu là do việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu của Chính phủ, khi nhóm hàng dầu thô và năng lượng trên thế giới tăng mạnh trong quý III (với mức tăng so với quý trước lần lượt là 14% và 17%).

Trước biến động tăng giá mạnh của giá dầu thế giới, giá dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh tăng tới 12,62% (từ mức 21.000 lên mức 23.650 đ/lít). Tuy nhiên, trong tháng 10 và tháng 11, giá dầu thô và năng lượng đã giảm nhẹ. Tính đến hết tháng 11/2012, giá dầu thô và năng lượng đã giảm 4,09% và 4,7% so với cuối tháng 9. Do vậy, giá mặt hàng xăng dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm vào giữa tháng 11. Điều này đã góp phần làm giảm áp lực tăng giá lên nhóm hàng giao thông trong những tháng cuối năm.

Tương tự nhóm hàng giao thông, nhóm hàng “nhà ở và vật liệu xây dựng" dù có tới 4 tháng liên tiếp giảm giá (từ tháng 4 tới tháng 7) với mức giảm từ -0,44% đến -1,21%, nhưng sự tăng giá mạnh liên tiếp của nhóm hàng này trong những tháng cuối năm, (trong đó tháng 9 tăng tới 2,2%), đã đẩy tỷ lệ đóng góp của nhóm hàng này lên cao (tính đến hết tháng 12/2012, nhóm hàng này đã đóng góp 13,49% vào mức tăng CPI chung). Nguyên nhân nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng bắt đầu tăng trở tại từ trong những tháng cuối năm một phần do nhu cầu mua nhà ở thực đang có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, việc giá dầu hỏa tăng 6,38%, giá gas tăng 11,8% cũng phần nào tác động làm giá nhóm hàng này tăng trong những tháng cuối năm.

Qua phân tích sự tăng giảm giá của các nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa CPI như nêu trên có thể thấy sự giảm tốc độ tăng giá năm 2012 so với năm 2011 chủ yếu là do sự giảm giá mạnh của chỉ số giá lương thực thực phẩm sự giảm giá này bắt nguồn từ giá lương thực của thế giới giảm, Và sự giảm sút trong sức mua của nền kinh tế cùng với tình trạng nhập lậu hàng thực phẩm qua biên giới Trung Quốc gia tăng.

Việc tăng nhanh CPI trong một số tháng của năm 2012 tập trung chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao, thêm vào đó là giá dịch vụ y tế. Việc tăng giá của các nhóm hàng này, ngoài yếu tố quốc tế còn do việc quản lý giá các mặt hàng này còn chưa tốt. Tình trạng quản lý giá như vậy là một trong những yếu tố gây lạm phát kỳ vọng. Đây là vấn đề cần được khắc phục để hạn chế kỳ vọng lạm phát của những năm tiếp theo. Xu hướng giảm của CPI trong năm 2012 có thể thấy chưa có yếu tố bền vững, bởi:

Thứ nhất, hiện tại, việc giá nguyên - nhiên liệu, giá thực phẩm trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc giảm giá các mặt hàng này trên thị trường quốc tế có thể chỉ mang tính chu kỳ và là hệ quả tất yếu của giai đoạn kinh tế suy thoái. Do vậy, trong trung hạn vẫn cần hết sức chú ý xu hướng biến động khó lường của yếu tố này trong việc tác động đến sự gia tăng chỉ số CPI của Việt Nam.

Thứ hai, bối cảnh kinh tế hiện nay cũng đã tác động mạnh làm suy giảm cầu tiêu dùng nội địa thấp hơn nhiều so với dự báo, tín dụng ngân hàng tạm thời suy giảm... Nhân tố này sẽ được khắc phục cùng với sự phục hồi kinh tế trong nước. Do vậy, nhân tố này chỉ mang tính tạm thời làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu các biện pháp của Chính phủ để phục hồi tăng trưởng kinh tế không hiệu quả, thì sự suy giảm sức mua sẽ là nhân tố gây nên tình trạng giảm phát kéo dài.

Thứ ba, diễn biến của cán cân thanh toán chưa đủ bền vững để hỗ trợ giảm sức ép về tỷ giá. Mặc dù, hoạt động thương mại của Việt Nam trong đó chủ yếu là xuất khẩu các hàng thiết yếu không ảnh hưởng lớn bởi sự suy giảm thương mại toàn cầu, thậm chí trong một vài trường hợp, dưới tác động thu nhập giảm tiêu dùng ở một số nước Phát triển đã hướng sang các hàng hóa xuất xứ từ các nước đang phát triến như Việt Nam. Đây có thể là một trong những nhân tố hỗ trợ cán cân thương mại Việt Nam vào nửa đầu năm 2012. Tuy nhiên nếu trong giai đoạn tới, cơ cấu xuất nhập khẩu của Viêt Nam chưa có những thay đổi căn bản thì chỉ ngay khi kinh tế toàn cầu có khuynh hướng phục hồi thì Việt Nam lại phải đối mặt với tình trạng nhập siêu.

Thứ tư, là mặc dù lạm phát hiện tại đang giảm tốc song kể cả khi đẩy lùi về mức một con số vào cuối năm thì vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ năm, tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế chưa cao, năng suất lao động thấp, mặc dù Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, song quá trình chuyển đổi này phải có thời gian, và vốn vẫn là nhân tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế, trong khi đó năng lực quản lý sử dụng vốn cao khó có thể cải thiện nhanh. Do vậy nếu thực hiện các giải pháp vĩ mô không thận trọng thì nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu.

Xu hướng lạm phát 2013

Tốc độ lạm phát năm 2012 dưới 7% là yếu tố thuận lợi cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song yếu tố ổn định của lạm phát còn chưa cao, lạm phát cơ bản vẫn cao, áp lực lạm phát từ các nhân tố tác động chính yếu có khả năng giảm nhẹ song áp lực đó có thể trỗi dậy nếu như Chính phủ thực hiện các chương trình hỗ trợ, kích thích tăng trưởng thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ với một liều lượng không hợp lý và không hiệu quả.

Chính vì thế, cần thiết phải thực hiện hiệu quả các giải pháp ngắn hạn đồng thời vẫn phải chú trọng tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các giải pháp trong dài hạn trên cơ sở các nguyên tắc nên tảng đảm bảo mối quan hệ bền vững giữa tăng trưởng và lạm phát.

Diễn biến lạm phát của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây cho thấy việc dự báo lạm phát là rất khó khăn, biến động khó lường, một phần là do tác động của sự biến động hàng hóa thế giới, nhưng quan trọng hơn là các chính sách vĩ mô và các chính sách quản lý giá cả một số mặt hàng thiết yếu thiếu ổn định. Bên cạnh đó hệ thống phân phối hàng hóa chưa phát triển, nhiều khi gây ra những cú sốc về giá hàng hóa một số mặt hàng do thiếu cung một cách giả tạo.

Tuy nhiên, có thể dự báo một số các nhân tố có thể tác động đến CPI năm 2013 như sau: Giá cả hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá lương thực thực phẩm vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng (nếu kinh tế thế giới đi theo kịch bản phục hồi), trong khi đó giá cả của nhóm hàng này ở trong nước hiện đang trong chu kỳ tăng giá của dịp lễ tết cuối năm, và đặc biệt là khi các kênh nhập lậu qua biên giới đã bị kiểm soát chặt chẽ; tín dụng có khả năng phục hồi trở lại; quá trình giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ đang được xúc tiến mạnh mẽ (theo tinh thần của Nghị quyết số 67/NQ-CP).

Bên cạnh đó, Chính phủ còn yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ; Các chương trình giải cứu thị trường bất động sản chủ yếu thông qua các giải pháp tài chính đang và sẽ diễn ra tích cực trong năm 2013; Và theo phân tích diễn biến các chỉ số PMI - purchasing management index, cũng như các chỉ số sản lượng của HSBC cho thấy đầu tư đang có xu hướng phục hồi. Mức sản lượng đang dần cải thiện.

Tương tự, chỉ số việc làm và số lượng hàng mua đã tăng dần lên mức 50 điểm, chứng tỏ hoạt động sản xuất đã có xu hướng gia tăng. Thêm vào đó, việc xuất khẩu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái là một tín hiệu tích cực. Tất cả những dấu hiệu trên chứng tỏ đầu tư phục hồi sẽ là một tín hiệu giúp gia tăng tổng cầu nền kinh tế -song nếu không kiểm soát chặt chẽ làm xuất hiện sản lượng đáng kể thì sẽ tạo ra áp lực lên lạm phát. Ngoài ra, việc các nền kinh tế lớn đẩy mạnh việc cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có thể làm cho lạm phát thế giới gia tăng tác động tới sự ổn định của giá cả trong nước...

Tóm lại, diễn biến giá cả, thị trường của năm 2012 tương đối ổn định. Diễn biến lạm phát hiện tại được xem là một thuận lợi để có thể hoàn thiện hơn công tác phòng, chống, kiểm soát lạm phát. Hơn nữa, những yếu tố tạo áp lực lên lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, vì thế, trong năm 2013 các quyết sách điều hành vẫn cần thiết phải đảm bảo thận trọng, linh hoạt và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ.

Trên cơ sở dự báo những nhân tố tác động lên diễn biến lạm phát ở trên kết hợp với yếu tố thời vụ và kết quả dự báo định lượng mô hình VAR (mô hình dự báo lạm phát trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, cung tiền, lãi suất và tỷ giá ngoại tệ, với giả thiết các giải pháp chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện có hiệu quả, đồng bộ như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013) cho thấy lạm phát sẽ có khả năng tăng trong tháng 1, tháng 2 và tốc độ tăng sẽ giảm nhẹ trong tháng 3 và quý II/2013 và chỉ bắt đầu tăng trở lại từ quý III/2013.