Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF): Giải đáp nhiều đề xuất trong lĩnh vực ngân hàng

P.V

TCTC Online - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2010, đại diện nhóm công tác và các cơ quan chức năng đã có những trao đổi thẳng thắn về những vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam, trong đó có nhiều đề xuất trong lĩnh vực ngân hàng đã được đưa ra. Đại diện Chính Phủ Việt Nam cũng đã có những giải đáp cụ thể xung quanh lĩnh vực Ngân hàng, thị trường vốn...

Đề xuất trong lĩnh vực Ngân hàng

Tại hội nghị, đaih diện nhóm công tác Ngân hàng, ông Tom Tobin - Trưởng nhóm đưa ra 3 đề nghị cho Chính Phủ:

- Xây dựng lộ trình phát triển ngành ngân hàng có phối với với các lực lượng thị trường để đảm bảo tăng trưởng mà không làm tăng gánh nặng về hành chính. Góp ý về dự thảo Luật tổ chức tín dụng nhóm này đề nghị giải quyết một số vấn đề như hạn chế hoạt động của tổ chức tín dụng, hạnh mức cho vay của TCTD, nâng cao phần vốn góp của đối tác nước ngoài...

- Cơ chế luật pháp và thị trường rõ ràng hiệu quả, đề nghị ban hành thông tư về ngoại hối, nợ xấu...

- Có nguyên tắc hướng dẫn rõ ràng và xóa bỏ các trở ngại đối với hoạt động ngân hàng và tài chính tiêu dùng. Hình thành các cơ quan thông tin tín dụng cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp các sản phẩm đầu tư.

Trả lời các vấn đề của nhóm công tác Ngân hàng, ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết:

Với vấn đề về hạn mức tín dụng 15% cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khi cam kết gia nhập WTO kể từ ngày 1/1/2011 tất cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam cũng được bình đẳng huy động vốn và cho vay trên thị trường Việt nam, đồng thời cũng phải chịu tác quy định như các tổ chức tín dụng khác đảm bảo quy định về an toàn khi hoạt động ở Việt Nam.

Vì vậy, quy định trên sẽ không còn hồi tố và không hạn chế việc ngân hàng mẹ vay trực tiếp hay đồng tài trợ chi nhánh con của mình tại Việt Nam.

Về vấn đề hợp nhất, sáp nhập mua bán lại các ngân hàng, hiện nay Việt Nam thiếu các ngân hàng lớn có khả năng cung cấp dịch vụ đầy đủ trên diện rộng cho mọi đối tượng của nền kinh tế nhưng thừa về số lượng các ngân hàng. Do vậy NHNN khuyến khích các hoạt động hợp nhất, sáp nhâp mua bán để tạo ra các tổ chức tín dụng có quy mô lớn, có khả năng tài chính mạnh mẽ và tránh được rủi ro. Các quy định thuộc lĩnh vực này đang được rà soát lại.

Về văn bản pháp lý về quản lý ngoại hối, ông Tiến cho biết tình hình kinh tế hiện nay đã rất khác so với thời điểm ban hành pháp lệnh quản lý ngoại hối và nghị định 160 hướng dẫn thi hành pháp lệnh này. Vì vậy việc hướng dẫn thi hành pháp lệnh trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn. Do vậy có sự chậm trễ trong ban hành các quy định chi tiết về quản lý ngoại hối.

Biện pháp điều hành cụ thể về thị trường vốn

Theo tài liệu phục vụ diễn đàn, trả lời kiến nghị của nhóm thị trường vốn, thứ trưởng Trần Xuân Hà, Bộ Tài Chính cho biết: Năm 2009 thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên thị trường vốn Việt nam vẫn duy trì được sự phát triển, giao dịch cổ phiếu đã có sự thanh khoản trở lại, giá trị vốn hóa thị trường đã đạt được 50% GDP.

Thời gian tới Bộ Tài Chính sẽ tập trung chỉnh sửa Luật chứng khoán. Theo kế hoạch Luật chứng khoán sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội vào năm 2010, thực thi vào giữa năm 2011. Bênh cạnh đó Bộ Tài Chính sẽ xây dựng một chiến lược phát triển thị trường vốn giai đoạn 2014-2020.

Thị trường trái phiếu Chính Phủ: việc phát hành lô lớn đã được thực thi, đã ban hành quy định việc mua lại trái phiếu Chính Phủ trước hạn, quy định hoạt động REPO với trái phiếu Chính Phủ.

Việc thiết lập cơ quan thẩm định mức tín nhiệm cũng nằm trong kế hoạch phát triển thị trường vốn. Bộ Tài Chính đã nghiên cứu vấn đề này nhưng cần sự hợp tác của thành viên thị trường trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá.

Về vai trò nhà đầu tư có tổ chức: đồng ý với quan điểm của nhóm công tác cần phát huy hơn nữa vai trò của nhà đầu tư có tổ chức trong việc dẫn dắt hoạt động của thị trường chứng khoán.

Công bố thông tin: Thông tin sửa đổi thông tư 38 về công bố thông tin đã được ban hành và thực hiện trong thời gian vừa qua, cho thấy là cũng đã đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.

Việc kéo dài thời gian giao dịch, giao dịch Margin, giao dịch Repo cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản sẽ được lấy ý kiến và nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.

Chế độ kế toán: hiện Việt nam đang cập nhật những chuẩn mực của kế toàn quốc tế trong đó có một chuẩn mực kế toán về đánh giá giá trị các khoản vốn đầu tư theo giá thị trường. Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu để áp dụng chuẩn mực kế toán này.

IPO với các doanh nghiệp cổ phần hóa: Tiến trình cổ phần hóa bị chậm lại do sự duy giảm của thị trường vốn năm vừa qua. Chính phủ đang nghiên cứu chỉnh sửa một số quy định trong cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong đó có 2 nội dung quan trọng; định giá tài sản là quyền sửa dụng đất của doanh nghiệp và cách thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài.

Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Do khủng hoàng kinh tế, nhà đầu tư rút vốn khỏi Việt nam. Tuy nhiên thời gian gần đây tín hiệu đã khả quan hơn. Pháp luật việt Nam hiện không hạn chế các doanh nghiệp trong nước niêm yết trên TTCK nước ngoài.