Điều chỉnh tăng giá cước thư thường từ tháng 2/2014
(Tài chính) “Cước thư thường trong nước đến 20 gram từ 2.000 lên 3.000 đồng/thư, thời điểm tăng dự kiến từ tháng 2/2014”, ông Hoàng Xuân Hạnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Bưu chính, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) thông tin trước giới báo chí.
Mới bù đắp 80% giá thành
Khẳng định điều này, ông Hạnh cho rằng, việc điều chỉnh cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram lần này là cần thiết để góp phần “giảm dần theo lộ trình sự điều tiết hỗ trợ của Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích” và thực hiện “lộ trình điều chỉnh tăng dần giá cước dịch vụ bưu chính công ích để từng bước bù đắp được chi phí cung ứng các dịch vụ này…”.
So sánh giá một số sản phẩm đầu vào của VietnamPost từ lần xây dựng phương án điều chỉnh cước năm 2008 đến nay cho thấy, trong 4 năm qua, giá cả mà trực tiếp là chi phí đầu vào liên tục tăng. Trong khi đó, do đặc thù ngành bưu chính cần đến nhiều lao động trong quá trình cung ứng dịch vụ, cho nên phải duy trì mạng lưới cung cấp dịch vụ rộng khắp đất nước theo yêu cầu phổ cập dịch vụ. Với chi phí đầu vào lớn như vậy, khoảng cách giữa giá cước và giá thành có xu hướng ngày càng lớn. Nếu như năm 2008 giá cước thực tế của dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 200 gram bù đắp được 56,5% chi phí giá thành thì đến nay tỷ lệ bù đắp chỉ còn khoảng 50%.
Chưa kể tới việc giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước là cơ sở để xây dựng giá thành cước dịch vụ bưu chính thương mại, cho nên việc giá cước dịch vụ thư cơ bản thấp đã làm ảnh hưởng đến các dịch vụ bưu chính khác. “Hiện nay, với sản lượng thư quá thấp, cơ chế này chỉ có tác dụng tập trung lưu lượng để giảm chi phí trên mạng bưu chính công cộng và chưa có khả năng mang lại lợi nhuận cho VietnamPost. Mức cước thư thường trong nước đến 20 gram mới, sẽ bù đắp được khoảng 80% giá thành. Với mức giá cước này và sản lượng sau điều chỉnh cước sẽ có sự sụt giảm nhất định (dự kiến khoảng 10-12% trong năm 2014), đổi lại doanh thu dịch vụ tăng thêm từ việc tăng cước vào khoảng 70-75 tỷ đồng”, ông Hạnh chia sẻ.
Cơ sở để cải thiện chất lượng dịch vụ
Việc điều chỉnh giá cước thư trong nước sẽ giúp VietnamPost có cơ sở để tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay thư cá nhân sử dụng chiếm khoảng 20% trong tổng sản lượng thư cơ bản, trong khi đó các cơ quan, tổ chức sử dụng thư để trao đổi thông tin chiếm tới gần 80%, chủ yếu là khối doanh nghiệp như ngân hàng, các công ty chứng khoán, bảo hiểm… Còn mức độ sử dụng trong giao dịch và trao đổi thông tin của người dân lại rất thấp, trung bình ở mức 2,42 thư/người/năm. Như vậy so với mức thu nhập này, chi phí cho việc gửi 2,42 thư trong một năm của người dân theo giá cước mới là khoảng 7.260 đồng, rất nhỏ và không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Hơn nữa, so với giá cả một số dịch vụ khác mà người dân sử dụng hàng ngày như giá vé gửi xe máy, giá vé xe buýt… thì mức giá cước dịch vụ thư cơ bản trương nước mới đề xuất cũng chỉ tương đương với giá dịch vụ này. Vì vậy, có thể nói tác động của việc điều chỉnh cước thư cơ bản trong nước đến 2kg đối với đối tượng sử dụng dịch vụ là người dân nói chung, bộ đội, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, đồng bào vùng sâu, vùng xa nói riêng là rất nhỏ.
“Việc điều chỉnh cước thư thường trong nước đến 20 gram và các nấc tiếp theo như đề xuất sẽ có tác động tích cực đối với ngân sách nhà nước và là mức mà người dân có thể chấp nhận. Đồng thời, khách hàng sử dụng dịch vụ là tổ chức, doanh nghiệp cũng có cơ hội thực hiện trách nhiệm đóng góp chi phí sử dụng dịch vụ", ông Hạnh nhấn mạnh.