Điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 và triển vọng năm 2013

Nghiêm Xuân Thành

Với độ mở ngày càng lớn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính tiền tệ, ngân hàng nói riêng đã chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2012 đã trải qua một năm đầy cam go. Trong năm 2013, định hướng chung của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô...

Điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 và triển vọng năm 2013
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tác động từ kinh tế vĩ mô

Kinh tế toàn cầu năm 2012 trải qua nhiều biến động và diễn biến phức tạp. Khủng hoảng nợ công và những khó khăn của các định chế tài chính ngân hàng ở khu vực Euro đặt hệ thống tài chính khu vực châu Âu và toàn cầu trước những nguy cơ đổ vỡ; sự mất ổn định về chính trị tại khu vực Trung Đông khiến giá dầu mỏ leo thang, kéo theo lạm phát tăng, tác động tiêu cực làm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt quá mức đẩy một số quốc gia rơi vào tình trạng giảm phát hoặc các hoạt động kinh tế suy yếu trong một thời gian dài; thất nghiệp tiếp tục tăng cao ở các nền kinh tế đang phát triển tạo sức ép lên ổn định kinh tế xã hội.

Đối với Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới, đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới. Với độ mở ngày càng lớn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính tiền tệ, ngân hàng nói riêng đã chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu...

Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã trải qua một năm đầy cam go. Chủ động lường đón những khó khăn, thách thức sẽ phải đối mặt, ngay từ đầu năm NHNN đã phát đi thông điệp rõ ràng về mục tiêu chính sách, trên cơ sở đó, điều hành kiên trì, nhất quán theo đuổi định huớng, mục tiêu đã lựa chọn, đó là: điều hành chủ động, chặt chẽ và linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, trong đó điều hành lãi suất theo hướng giảm dần với mục tiêu 9-10%/năm vào cuối năm 2012 và trung bình mỗi quý giảm 1% năm; giữ tỷ giá ổn định, củng cố niềm tin vào đồng tiền Việt Nam; và tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý tổng thể nợ xấu, đảm bảo giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng.

Kết quả điều hành chính sách năm 2012

Nhìn lại một năm qua, có thể thấy rằng chính sách tiền tệ đã đóng vai trò then chốt trong các giải pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp và đồng thời hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.

Trong đó, NHNN đã thể hiện rõ nét được vai trò chủ động dẫn dắt và định hướng thị trường, ứng phó linh hoạt và kịp thời với những biến chuyển trên thị trường tiền tệ. Tập trung kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng và các công cụ chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD trong những tháng đầu năm và rút tiền về sau khi vốn khả dụng của các TCTD được cải thiện và dư thừa; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tín dụng và triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn trả nợ gốc, lãi; lãi suất được điều hành theo hướng giảm dần phù hợp với mục tiêu, diễn biến kinh tế vĩ mô, điều kiện thị trường tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn chi phí vay vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhờ đó, các chỉ tiêu tiền tệ trong năm 2012 tăng trưởng hợp lý, phù hợp với mục tiêu vĩ mô. Mặc dù tỷ lệ tín dụng tăng trưởng thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực phù hợp với chủ trương của Chính phủ, trong đó tín dụng đối với xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm so với cuối năm 2011. Trước đây, để tăng trưởng kinh tế khoảng 7-7,5% tín dụng ngân hàng phải tăng tới 30%, thậm chí có năm lên đến 50%; trong khi đó năm nay tăng trưởng kinh tế vẫn đạt khoảng 5,03% mà tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 10%, thể hiện tín dụng ngân hàng đã hiệu quả hơn góp phần nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng của nền kinh tế và làm giảm đáng kể hệ số ICOR của Việt Nam.

Một dấu ấn khác biệt trong điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối trong năm qua là việc NHNN chủ động đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ổn định tỷ giá. Cả hai lần cam kết đều đã được thực hiện thành công dựa trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND cũng như mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung. Can thiệp linh hoạt trên thị trường ngoại hối với khối lượng phù hợp khi cần thiết và tích cực mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thanh khoản thị trường được cải thiện. Thu hẹp phạm vi hoạt động ngoại hối kết hợp với xử phạt nghiêm các vi phạm trong hoạt động ngoại hối. Nhờ đó đã ổn định đươc tâm lý thị trường và định hình kì vọng về tỷ giá của công chúng. Tỷ giá ổn định; tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm dần và tăng cường dự trữ ngoại hối Nhà nước, nâng cao niềm tin của thị trường đối với các giải pháp, chính sách của NHNN.

Năm 2012 là năm đánh dấu sư đột phá của công tác quản lý thị trường vàng thông qua việc NHNN đã từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thị trường vàng , chấm dứt hoạt động và cho vay vốn bằng vàng vào ngày 25/11 /2012. Kết quả bước đầu sau khi Nghị định 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ được ban hành kết hợp với Nghị định 95/NĐ-CP ngày 20/10/2011 và các biện pháp NHNN đã triển khai, thị trường vàng miếng trong nước bước đầu đã đạt được những mục tiêu quan trọng và có nhiều chuyển biến đáng kể. Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”. NHNN không cho phép nhập khẩu vàng, không thực hiện bình ổn giá nhưng hầu như không diễn ra việc thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập lậu, nhờ đó tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.

Năm qua, NHNN cũng đã thành công trong việc giữ vững ổn định hệ thống. Ngay từ đầu năm, NHNN đã tiến hành đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các TCTD; tăng cuờng thanh tra để đánh giá đúng thực trạng tài chính và hoạt động trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để xử lý chấn chỉnh và sắp xếp các TCTD theo mức độ rủi ro và thực trạng tài chính. Thực hiện Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây đựng, trình và được Thủ tướng Chính phu phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Ngay sau đó, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai thực hiện Đề án, trong đó các nội dung, giải pháp của Đề án đã được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và giao cho các đơn vị thuộc NHNN thực hiện với lộ trình cụ thể. Đến nay, hệ thống ngân hàng đã cơ bản hoàn thành tiến độ mục tiêu cơ cấu lại trong giai đoạn 2011 - 2012, khả năng chi trả của toàn hệ thống các TCTD về cơ bản được bảo đảm; nguy cơ đổ vỡ của một số TCTD đã được đẩy lùi; NHNN đã kiểm soát được tình hình của tổ chức tín dụng yếu kém để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp cơ cấu lại ở giai đoạn tiếp theo.

Nợ xấu của hệ thống các TCTD là vấn đề kinh tế vĩ mô được Quốc hội, Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm và xem đây là cốt lõi của việc lành mạnh hóa khu vực tài chính - ngân hàng. Nợ xấu lớn và có chiều hướng tăng nhanh trong hệ thống các TCTD đã có những tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và an toàn, hiệu quả kinh doanh của các TCTD.

Ngoài nguyên nhân do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tác độ tăng trưởng tín dụng, thì nợ xấu lớn còn do những yếu tố nội tại của các TCTD, như công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập; năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm.

Quy mô nợ xấu đến nay khá lớn và tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tăng nhanh cho thấy nợ xấu của các TCTD tiềm ẩn và đã được tích tụ trong một thời gian dài, đặc biệt là thời kỳ nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh. Từ quý IV/2011 trở lại đây, nợ xấu bắt đầu lộ diện khi môi trường kinh doanh xấu đi, tín dụng tăng chậm và công tác thanh tra, giám sát của NHNN được tăng cường.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì đề xuất các giải pháp xử lý nợ xấu. Bên cạnh việc thực hiện hàng loạt các biện pháp xử lý nợ xấu như: Ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngay 23/4/2012 cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ nếu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; chỉ đạo các TCTD tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ, thực hiện mua bán nợ, xây dựng quy định mới về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn và mở rộng phạm vi tài sản có tiềm ẩn rủi ro tín dụng phải phân loại và trích lập dự phòng rủi ro, cuối năm 2012, NHNN đã trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD, trong đó có phương án thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu một cách tập trung với quy mô lớn. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, việc triển khai chủ động, kịp thời các chính sách, biện pháp ngăn chặn và xử lý nợ xấu của NHNN và các TCTD đã làm nợ xấu có chiều hướng tăng chậm lại từ quý II/2012.

Nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô có bước được cải thiện, lạm phát được kiềm chế ở mức một con số (6,81 %) và thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát cao cùa năm 2011; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 18%, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, Việt Nam đã đạt được xuất siêu sau gần 2 thập kỷ. Trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy giảm và khó khăn của kinh tế vĩ mô nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn tăng 5,03%.

Định hướng điều hành chính sách năm 2013

Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm và vẫn tiếp tục khó khăn; các thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư chủ yếu của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy giảm; các chính sách điều chỉnh của những nền kinh tế lớn chưa đem lại kết quả như mong đợi, độ rủi ro và tính bất định còn cao. Nguy cơ về những cú sốc từ bên ngoài vẫn đang tiềm ẩn, có thể tác động xấu đến kinh tế nước ta. Ở trong nước, những yếu kém về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chậm được giải quyết; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ ở giai đoạn khởi động và còn nhiều khó khăn; sản xuất, kinh doanh khó khăn, tồn kho còn lớn, nợ xấu còn cao kinh tế dù tăng trưởng nhưng chưa thực sự vững chắc, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại.

Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát được Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đặt lên hàng đầu. Do đó, định hướng chung của NHNN trong năm 2013 là điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; hoạt động của hệ thống TCTD an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Trong đó, lãi suất điều hành ở mức hợp lý phù hợp với cân đối vĩ mô đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn hệ thống; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường; giữ ổn định tỷ giá; tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, hỗ trợ phát triển bền vững và chống đô la hóa nền kinh tế.

Trong thời gian tới, khi hoạt động thị trường tiền tệ ổn định bền vững và điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, NHNN sẽ xem xét dần tháo gỡ các biện pháp hành chính đã áp dụng tạm thời trong điều kiện thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng chưa thật sự ổn định, nhằm tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động hiệu quả, lành mạnh, phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong năm 2013, nội dung trọng tâm của nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD là xử lý nợ xấu; sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD; xử lý các TCTD yếu kém và tái cấu trúc toàn diện các TCTD phi ngân hàng, trong đó đặc biệt là triển khai thực hiện các giải pháp được Chính phủ thông qua tại đề án xử lý tổng thể nợ xấu.

Có thể kể đến các giải pháp lớn như thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam để xử lý tập trung nợ xấu; triển khai sửa đổi, bổ sung các quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng; xây dựng quy định mới về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn và mở rộng phạm vi tài sản có tiềm ẩn rủi ro tín dụng phải phân loại và trích lập dự phòng để phản ánh đầy đủ hơn thực trạng nợ xấu và hạn chế nợ xấu gia tăng; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định an toàn trong hoạt động ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra giám sát trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro…

NHNN sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm xử lý hàng tồn kho; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để giúp ngân hàng đẩy nhanh xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tích cực xử lý nợ xấu thông qua các biện pháp như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp, tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu...

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát hoạt động của hệ thống các TCTD góp phần đảm bảo ổn định, an toàn và phát triển bền vững của toàn hệ thống TCTD thông qua việc áp dụng dần dần mô hình đánh giá rủi ro, dự báo tài chính theo thông lệ quốc tế có điều chỉnh vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

Năm 2013 là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải có bước chuyển biến để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Những khó khăn thách thức đặt ra cho toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian tới còn rất lớn. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục có sự nỗ lực và quyết tâm cao triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cụ thể, kịp thời đảm bảo mục tiêu điều tiết tổng cầu, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, bảo đảm kiềm chế lạm phát thấp hơn và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn năm 2012 như mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.