Điều hành tỷ giá: Cách nhìn mới

Theo DDDN

Cái chúng ta cần hiện nay là chính sách điều hành tỷ giá dài hơi thay vì cứ phải chạy theo thị trường. Muốn vậy, cần phải xem xét lại vai trò, tác động và chính sách của tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế.

 

Doanh số giao dịch tăng, tỷ giá nhấp nhổm tăng, lãi suất huy động ngoại tệ tăng... tất cả những điều đó hẳn không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi đưa ra chính sách mở rộng đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ. Dự báo được thì ắt NHNN cũng đã chuẩn bị phương án dự phòng. Song rõ ràng, như thế thì chính sách vẫn chỉ đi sau thực tế.

Khoảng cách lãi suất cho vay VND và USD giảm

Như chúng ta đã biết, lý do để doanh nghiệp đổ xô đi vay USD không chỉ vì chính sách mở của NHNN mà còn chủ yếu do chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD. Có thời điểm khoảng cách này lên đến 10%/năm. Lãi suất cho vay VND đang phổ biến ở mức 13% - 14,5 %/năm, bằng USD là khoảng 8%/năm. Xét về biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay, thì hiện VND vẫn mất thế hơn, khi đầu vào đang bị ép xuống mức 11,2%/năm, trong khi lãi suất huy động USD vẫn chưa bị NHNN “sờ” đến, dù đã tăng mạnh trong một tháng trở lại đây, cao nhất đã lên mức trên 5%/năm. Như vậy, nếu tính đơn thuần bài toán lợi nhuận, ngân hàng sẽ vẫn thích cho vay bằng ngoại tệ. Nhưng trong phiên họp vào trung tuần tháng 6/2010 giữa NHNN và Hiệp hội ngân hàng (VNBA), các thành viên VNBA, nhất là những NHTM lớn, đã “hò” nhau giảm tín dụng ngoại tệ để tránh hệ quả xấu trong nay mai. Có lẽ nhờ vào sự đồng thuận tự nguyện này, và cả sự nhắc nhở của NHNN thông qua Công văn số 4496/NHNN - CSTT, ngày 15/6 nên tín dụng bằng ngoại tệ sẽ giảm đà tăng.

Theo lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN, việc NHNN phải nới cửa cho vay bằng ngoại tệ là để giải quyết tình huống tại thời điểm cuối năm 2009 do người dân có xu hướng chuyển cả vàng và VND sang USD, khiến hệ thống ngân hàng dư thừa tiền gửi ngoại tệ, dù tỷ giá trên thị trường tự do liên tục tăng, có lúc cao hơn mức trần cho phép của NHNN đến 500 - 700 đồng/USD. 

Quyết định mở rộng đối tượng được vay bằng ngoại tệ của NHNN đã thành công trong việc giải được bài toán thừa vốn USD cho các NHTM. Nếu tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ quý I/2009 ở mức - 2,24% thì quý I/2010 là + 14,07%. Và nếu so với tháng 3/2010, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tháng 4/2010 đã lên mức 3%; và tháng 5 tăng tiếp 3,16% so với tháng 4. Bên cạnh đó, với yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty không được giữ ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi mà phải bán cho ngân hàng, NHNN đã có điều kiện cải thiện dự trữ ngoại hối. Những nỗ lực của NHNN còn mang đến hiệu quả là lần đầu tiên có hiện tượng tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do thấp hơn trong ngân hàng, và giữ được tỷ giá ổn định quanh mức gần 19.000 VND/USD.

Cần một chính sách cho dài hạn 

Chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam hiện đang phải đạt được cùng lúc ba mục tiêu: ổn định tỷ giá, chính sách tiền tệ độc lập, tự do hóa dòng vốn.Điều này là bất khả thi

Từ tuần thứ ba của tháng 6/2010, tỷ giá bắt đầu nhích lên trên 19.000 VND/USD. Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) đã nhanh chóng lên tiếng trấn an dư luận trên một số tờ báo. Ông Huy khẳng định, doanh nghiệp mua gom USD do lo ngại biến động tỷ giá là không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu là người vay USD thì doanh nghiệp nào chẳng lo trả nợ, khi khoản vay của họ từ đầu quý III/2009 sắp đến ngày đáo hạn. Hơn nữa, tỷ giá VND/USD đang ổn định; lãi suất tiền gửi lại đang cao thì doanh nghiệp dại gì mà không ôm vào để dự phòng!? Giám đốc bộ phận kinh doanh của một NHTM lớn cho rằng, mức dao động của tỷ giá vào khoảng 100 - 200 đồng/USD trên thị trường Việt Nam là không đáng ngại. Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo, so với 6 tháng đầu năm, những tháng cuối năm nguồn cung USD bắt đầu giảm. Lý do là vì những tháng đầu năm nhiều NHTM bán vàng ra (do phải đóng tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, đóng cửa sàn vàng trong nước) gom USD vào... nên lượng USD trong hệ thống ngân hàng tăng. Nhưng giờ, trong khi doanh nghiệp có USD không muốn bán, mà doanh nghiệp cần USD để trả nợ lại tranh thủ mua vào... Giao dịch ngoại tệ bắt dầu tăng, khiến tỷ giá tăng. Đến ngày 8/7, giá USD tự do tiếp tục tăng, lên mức 19.120 VND - 19.150 VND (mua vào - bán ra).

Tại ngân hàng Vietcombank, giá USD giao dịch ở mức 19.065 VND - 19.095 VND. Vậy thời gian tới NHNN sẽ có biện pháp, chính sách gì để tiếp tục thực hiện chủ trương “ linh hoạt“ trong điều hành tỷ giá? Diễn biến thị trường chắc chắn không chờ đợi hành xử của NHNN. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, thay vì chính sách cứ phải chạy theo thị trường, chúng ta cần phải xem xét lại vai trò, tác động của tỷ giá hối đoái và chính sách của tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế. Cần phải đặt tỷ giá trong mối tương quan với xuất khẩu, nhập khẩu, vay nợ, dự trữ ngoại hối... trong định hướng chiến lược chung là nhằm nâng cao tính chuyển đổi của VND. Hiện tỷ giá của Việt Nam vẫn chủ yếu “neo” vào USD, trong khi vai trò của đồng USD trên thị trường tài chính thế giới không còn ở đỉnh vinh quang như trước.

Việt Nam lâu nay vẫn điều hành tỷ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu. Nhưng thực tế có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (dệt may, da giày, gỗ…) 80% giá trị hàng xuất khẩu là từ nhập khẩu, thì liệu có cần hy sinh tỷ giá cho xuất khẩu không? Bên cạnh đó, đồng Yên Nhật và đồng Nhân dân tệ đang ngày càng tỏ rõ sức mạnh của mình trước đồng USD. Thậm chí, gần đây Trung Quốc còn đề nghị hình thành một đồng tiền chung cho khu vực châu Á. Vấn đề này cần được xem xét cẩn trọng. Vì, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc so với nhập siêu của cả nước đang tăng chóng mặt (biểu đồ).

TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng, chúng ta đã hướng đến sử dụng một rổ tiền tệ để tính toán tỷ giá hối đoái, song hiện giờ vẫn chưa làm được. TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, nhận xét rằng, chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam hiện đang phải đạt được cùng lúc ba mục tiêu: ổn định tỷ giá, chính sách tiền tệ độc lập, tự do hóa dòng vốn. Theo bà Mùi, điều này là bất khả thi.