Định hướng, giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn

GS., TS. Vương Đình Huệ

(Tài chính) Để đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, vấn đề quan trọng nổi lên là cần tạo ra một động lực mới mạnh mẽ hơn để tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn mới. TCTC trân trọng giới thiệu bài viết của GS.,TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề này.

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại đất nước và hội nhập quốc tế, phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng và coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư công cho “tam nông” là điều kiện nền tảng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại đất nước.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư cho “tam nông” trên tất cả các lĩnh vực và có bước đi phù hợp trong từng thời kỳ, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khoá X) ngày 28/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong công tác xây dựng và phát triển nông thôn; trong đó đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.

Để tổ chức triển khai Nghị quyết nêu trên, Chính phủ đã có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (Khoá X) và Bộ tiêu chí nông thôn mới tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng trên địa bàn khu vực nông thôn trên cơ sở người dân đóng vai trò chủ thể, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia.

Kết quả thực hiện đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về “tam nông”, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ và hướng dẫn các địa phương, thực hiện phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành khác có liên quan ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đối với việc đầu tư công cho “tam nông”.

Trong giai đoạn 2006 – 2011, nguồn vốn đầu tư công cho “tam nông” ngày càng được tăng cường và chú trọng, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và TPCP. Trong đó, đầu tư cho phát triển sản xuất các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 153.548 tỷ đồng, bằng 35,48% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là 279.240 tỷ đồng, bằng 64,52% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Thời kỳ trước khi có Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X), tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 3 năm 2006-2008 là 146.575 tỷ đồng, bằng 45,2% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn NSNN và TPCP. Sau khi có Nghị quyết Trung ương lần thứ 7, mức đầu tư cho “tam nông” tăng lên rõ rệt: Năm 2009, tổng vốn đầu tư cho khu vực này là 90.006 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2008; Năm 2010 là 94.754 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2009; Năm 2011 là 100.615 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2010. Tính chung trong 3 năm, tổng vốn đầu tư công bố trí cho khu vực này là 285.465 tỷ đồng, bằng 52% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và TPCP, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (Khóa X). Bên cạnh đó, hàng năm Nhà nước bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương và nông dân, mỗi năm bố trí từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh...; hàng năm chi khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước còn hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (khoảng 2.000 tỷ đồng), miễn thu thuỷ lợi phí khoảng 4.000 tỷ đồng.

Cùng với nguồn vốn đầu tư công phát triển “tam nông”, nguồn vốn ODA cho lĩnh vực này ngày càng được mở rộng và tăng cường. Trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị hiệp định về ODA đã được ký kết lên đến hơn 26,897 tỷ USD, với hơn 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp và thuỷ sản kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn, xoá đói, giảm nghèo là 3,833 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng qua các năm với tốc độ bình quân gần 24%/năm. Vốn ODA cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006-2011 tập trung cho nhu cầu xoá đói giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung vào hỗ trợ NSNN để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135, Chương trình tín dụng chuyên ngành đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn, lâm nghiệp, thuỷ lợi, xóa đói giảm nghèo, cung cấp tín dụng nông thôn, góp phần đáng kể về giảm nghèo của Việt Nam.

Kết quả đầu tư công cho “tam nông” đã góp phần quan trọng tạo ra những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, những kết quả của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng, thể hiện trên các mặt sau:

- Nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản tăng nhanh; trình độ khoa học-công nghệ được nâng cao hơn.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là thuỷ lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

- Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới; kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

- Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xoá đói giảm nghèo đạt thành tựu to lớn. Công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, phổ cập giáo dục, văn hoá, thông tin, thể thao được quan tâm và đẩy mạnh hơn.

- Hệ thống chính trị ở nông thôn do Đảng lãnh đạo được tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; vị thế giai cấp nông dân được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, kết quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua có một số hạn chế, tồn tại, đó là:

- Nguồn lực đầu tư còn thiếu so với yêu cầu. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được 55-60% yêu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào NSNN, việc huy động nguồn lực đầu tư của toàn xã hội còn hạn chế.

- Vốn ODA giải ngân thường chậm so với dự kiến, dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài thời gian thực hiện; Vốn đối ứng chưa được bố trí kịp thời; Cơ chế quản lý đầu tư xây dựng còn chậm điều chỉnh để đáp ứng với những thay đổi của thị trường...

- Còn tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư. Qua giám sát cho thấy một số công trình đạt hiệu quả thấp do bố trí vốn đầu tư chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch được duyệt, đầu tư thiếu đồng bộ, thi công kéo dài; Chất lượng công tác khảo sát, thiết kế còn chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công trình; khó khăn về giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu biến động thất thường...

- Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực còn rất khó khăn. Vẫn còn 149 xã/9.200 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; Hệ thống thủy lợi tại một số địa phương đầu tư còn thiếu đồng bộ. Đến năm 2011, cả nước vẫn còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện; Hệ thống cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn thiếu, các công trình đầu mối về thủy lợi chưa đủ điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa khu vực nông thôn còn chậm...

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên, về khách quan là do đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi nguồn lực rất lớn của Nhà nước cũng như toàn xã hội do địa bàn nông nghiệp, nông thôn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, sản xuất chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống khó khăn…, trong khi đó nguồn lực đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội có hạn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp chịurủi ro cao do sự tác động trực tiếp của thời tiết khí hậu, biến động của môi trường, dịch bệnh… việc phòng chống, khắc phục hậu quả là rất khó khăn, phức tạp nên khó thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Bên cạnh đó, do tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế trong khu vực và trên thế giới, Nhà nước phải thực hiện một số chính sách trong đó có việc cắt giảm đầu tư công,… nên việc huy động nguồn lực cho đầu tư cho “tam nông” những năm qua vẫn còn gặp khó khăn. Ngoài ra, còn do những nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, các cấp chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đầu tư cho “tam nông” chưa cao; Vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; Trong quá trình thực hiện đầu tư, tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở một số dự án do nhiều nguyên nhân...

Định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trong thời gian tới định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công cho “tam nông” cần được phát triển trên những quan điểm sau:

Một là, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở và điều kiện cần thiết để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Hai là, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng cường mạnh mẽ đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội, kể cả huy động vốn ODA và FDI đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ba là, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển nhanh kinh tế nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là những nội dung quan trọng để thực hiện tốt nhất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011 – 2020 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới, một số giải pháp chủ yếu cần được tập trung thực hiện để tăng cường, nâng cao hiệu quả đầu tư công cho “tam nông” như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện dự án Luật NSNN (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đảm bảo thời gian quy định theo hướng tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân bổ NSNN đảm bảo hài hoà lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông; tăng cường phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các địa phương, kể cả cấp huyện, xã theo Nghị quyết 24/2008/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Tiếp tục đổi mới phân cấp quản lý đầu tư công gắn việc quyết định đầu tư với việc phân bổ nguồn lực và cân đối vốn; thực hiện giao kế hoạch đầu tư trung hạn; sửa đổi hoàn thiện quy chế thẩm định dự án, thẩm định vốn, quyết định đầu tư, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay; Nghiên cứu sửa đổi cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư theo Quyết định số 60/2010/QĐ - TTg ngày 30/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thông qua quy chế phân bổ vốn đầu tư, đảm bảo đầu tư từ NSNN 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 cao gấp 2 lần giai đoạn 2006 – 2010.

Thứ hai, tăng cường NSNN đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Ưu tiên bố trí NSNN thông qua các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy các vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển; đồng thời tạo cơ chế cho các vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển;

- Thực hiện tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, điều tiết phân bổ NSNN đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp, cũng như các địa phương thuần nông, tăng cường phân cấp thu chi cho địa phương kể cả cho cấp huyện và xã;

- Thực hiện hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho hộ nông dân và địa phương theo diện tích trồng lúa để đảm bảo giữ diện tích trồng lúa khoảng 3,8 triệu ha theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

- Có chính sách để các địa phương chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thuỷ lợi, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,...

- Phân bổ vốn NSNN tập trung, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương; đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa;

- Tăng cường việc công khai quá trình phân bổ vốn NSNN thông qua các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư; Chú trọng mở rộng phân cấp, phân quyền quản lý đầu tư công, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của từng cấp, ngành trung ương đến địa phương và chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công; tăng cường phân cấp cho các tỉnh thực hiện làm chủ đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm.

Thứ ba, tập trung nguồn vốn TPCP cho các dự án phát triển giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hoàn thành cơ bản hệ thống thuỷ lợi. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung cho các dự án về giao thông liên vùng, miền; các tuyến đường ra biên giới, đường đến trung tâm các cụm xã, nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, kiên cố hoá trường học, lớp học, cơ sở chữa bệnh tuyến huyện...; Bố trí nguồn vốn TPCP để phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành cơ bản hệ thống thuỷ lợi trên toàn quốc.

Thứ tư, tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua chương trình kiên cố hoá kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn; Đẩy mạnh phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tăng thêm các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng mức mức cho vay vốn phát triển sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hải sản, phát triển chăn nuôi, sản xuất muối, cải tạo vườn tạp và người trồng lúa.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu.

Thứ sáu, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội, kể cả huy động vốn ODA và FDI đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:

- Tiếp tục có chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo cơ chế, động lực thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nhân rộng, phổ biến các mô hình xã hội hóa đầu tư, mô hình quản lý các công trình hạ tầng có hiệu quả, bền vững cho các vùng nông thôn;

- Nhà nước hỗ trợ một phần và có cơ chế huy động kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện để các địa phương chủ động kêu gọi triển khai các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP;

- Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, kết nối với đầu mối giao thông chung của cả nước; phát triển hạ tầng điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn.

Thứ bảy, tiếp tục hỗ trợ kinh phí của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chủ trương thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Thực tiễn phát triển đất nước những năm qua đã khẳng định tầm vóc chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tin rằng với những thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực không ngừng, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 202.

(Bài đã đăng Tạp chí Tài chính)