Định vị lại vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Ngô Kiến

“Phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” là chủ đề chính được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, đại diện của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trao đổi tại buổi Tọa đàm khoa học “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tại Hà Nội (ngày 26/2/2019).

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là lực lượng nòng cốt, quan trọng

 Tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các chuyên gia, các nhà khoa học về tình hình kinh tế đất nước, về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và đây cũng là căn cứ để Hội đồng Lý luận Trung ương xây dựng các luận cứ khoa học, góp phần chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đặt ra vấn đề cần sớm có giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm, phát biểu tại buổi Tọa đàm, GS.,TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Sau hơn 30 năm chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực; là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có thành tích vượt trội trong công tác giảm nghèo; nền kinh tế có độ mở cửa kinh tế cao với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương; là nơi thu hút đầu tư FDI hàng đầu trong khu vực; đời sống của đại bộ phận người dân có cải thiện…

“Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới; khoảng cách phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng xa; nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế ngày càng rõ nét; những thách thức về tăng trưởng và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất lớn”, GS.,TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Làm gì để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu?

“Mặc dù năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện, tuy nhiên, đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, doanh nghiêp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn và rào cản phát triển, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực và ưu đãi của Nhà nước”, GS.TS Trần Thọ Đạt thông tin.

Đồng thuận với những thông tin trên, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, hơn 30 năm qua, Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế kinh tế thị trường, cụ thể là môi trường đầu tư dù đã cải cách rất nhiều nhưng chưa thực sự thông thoáng; Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào sự vận hành của doanh nghiệp…

“Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ sang Cách mạng tri thức, trí tuệ nhân tạo. Sự thay đổi nhanh chóng và không tưởng này đã khiến cho các quốc gia không phải cạnh tranh giành giật khoáng sản, tài nguyên nữa mà là cạnh tranh giành giật trí tuệ. Nhân tài Việt đi ra nước ngoài nhiều hơn, đây là tổn thất. Nếu chúng ta không nhận thức sớm, bảo vệ và phát huy các tài nguyên trí tuệ thì chính doanh nghiệp của chúng ta sẽ tụt hậu. Trong bối cảnh đó, là tập đoàn kinh tế tập đoàn kinh tế lớn cần chủ động tập trung đầu tư cho con người, cho công nghệ, văn hóa phi vật thể nhiều hơn”, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Chung quan điểm, GS. Lê Du Phong, chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, các tập đoàn kinh tế nhà nước mặc dù nắm những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, được Nhà nước đầu tư mọi thứ, được ưu tiên nhiều phương diện, nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp…

“Cần phải hoàn thiện hệ thống luật pháp về kinh tế theo hướng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ và hội nhập quốc tế, nhằm tạo ra môi trường pháp lý thực sự thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là cho các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Tiếp tục rà soát và kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhiêu khê ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, GS. Phong đưa ra giải pháp.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học cũng đã làm sáng tỏ hơn về các vấn đề như: Vai trò của các tập đoàn kinh tế; thực trạng thành tựu, những đóng góp, hạn chế, nguyên nhân, những khó khăn, rào cản, những vấn đề đặt ra cần giải quyết từ phía quản lý nhà nước và từ phía nội bộ các tập đoàn để thúc đẩy phát triển hiệu quả các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam; Dự báo bối cảnh, cơ hội và thách thức đối với phát triển tập đoàn kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới,  sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đến Việt Nam…