Doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư - Thời cơ của các khu công nghiệp

Theo Nguyên Bảo/doanhnhansaigon.vn

Tình hình thuê đất và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp là tín hiệu lạc quan ở hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm.

Tình hình thuê đất và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp là tín hiệu lạc quan. Nguồn: Internet
Tình hình thuê đất và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp là tín hiệu lạc quan. Nguồn: Internet

Ở khu vực Đông Nam bộ, trong 6 địa phương được khảo sát (gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước), Bình Dương và Đồng Nai vẫn là thị trường dẫn đầu, chiếm gần 60% tổng nguồn cung đất công nghiệp (đất cho khu công nghiệp).

Không chỉ chiếm ưu thế về nguồn cung, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh này cũng tương đối cao, lần lượt đạt 85% và 79%. Theo Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL), đến cuối năm 2017, tỷ lệ trống tại các khu công nghiệp ở các địa phương trong diện khảo sát ở mức 25%. Thêm nữa, nhà xưởng xây sẵn tại các khu công nghiệp hiện hữu cũng hoạt động tốt với tỷ lệ cho thuê đạt hơn 85% bởi cầu lớn và nguồn cung hạn chế.

Liên quan đến giá thuê đất tại các khu công nghiệp, từ trước đến nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vị trí quán quân với giá bình quân đạt 143,4 USD/m2/chu kỳ thuê, gần gấp đôi so với mức trung bình toàn khu. Ước tính đến cuối năm 2017, tổng tiền thuê đất tại các khu công nghiệp thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam đã tăng bình quân 3,3% so với năm trước.

Theo nhận định của JLL, giá thuê đất cũng như nguồn cung khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018 và 2019 do triển vọng của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn thu hút đáng kể dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các ngành nghề có vốn ngoại vào Việt Nam, với 186,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư.

Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2018 và những năm tiếp theo vì như nhận định của các chuyên gia kinh tế, cách tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam hiện đã khác trước, không còn dừng lại ở chuyển giao công nghệ mà thị trường Việt Nam là "xưởng sản xuất" mới của họ. Với thực tế này, theo JLL, sẽ có hơn 1.300ha đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ được đưa vào thị trường, chủ yếu đến từ các giai đoạn mở rộng của những khu công nghiệp hiện hữu.

Bên cạnh các nhà máy sản xuất công nghiệp, các khu công nghiệp mở rộng còn do mảng năng lượng. Bà Trang Bùi - Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL chia sẻ, sắp tới ngành công nghiệp năng lượng từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ kích thích sự tăng trưởng của lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Năm 2017, JLL đã nhận tư vấn cho 5 nhà đầu tư năng lượng đến từ Mỹ, Úc trong việc tìm địa điểm đầu tư tại Việt Nam. Theo đại diện của JLL, Việt Nam có tiềm năng để phát triển năng lượng sạch do sức nắng, sức gió dồi dào, nhất là khu vực miền Trung. Song, để các khu công nghiệp ở miền Trung thu hút mạnh hơn nữa nhà đầu tư thứ cấp vẫn rất cần kết nối giao thông, hệ thống cảng và những chính sách khuyến khích từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, với việc ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối (đường cao tốc, mở rộng các tuyến đường huyết mạch, đường liên tỉnh, hệ thống bến cảng) trong 5 năm trở lại đây, các khu công nghiệp thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam và Phía Bắc đang cạnh tranh thu hút đầu tư "ngang sức, ngang tài".

Song, việc chọn địa điểm đầu tư tùy thuộc vào các công ty đa quốc gia vốn giữ vai trò động lực, như Samsung được đánh giá là mang đến tác động tích cực cho khu vực Đông Nam bộ, thêm nữa là tùy thuộc vào đặc thù của từng lĩnh vực, như dệt may, da giày thường chuộng các khu công nghiệp phía Nam.