Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huy động vốn theo các hình thức nào?

Hà Anh

Ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp nhiều khó khăn hơn do sản phẩm, công nghệ của doanh nghiệp này gần như hoàn toàn mới, chưa từng có trên thị trường nên có nhiều rủi ro.

Nguồn vốn tự có ban đầu của các DNKN Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư và nguồn vốn khác.
Nguồn vốn tự có ban đầu của các DNKN Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư và nguồn vốn khác.

Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm, Việt Nam có trên 126.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015. Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 DN khởi nghiệp (DNKN) đổi mới sáng tạo.

Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DNKN, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, trong hơn 3.000 DNKN của Việt Nam chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công.

Thực tế cho thấy, các DNKN đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thường huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, cụ thể như:

Một là, huy động vốn tự có: Vốn tự có được đầu tư bởi một hoặc những người sáng lập, đây là nguồn vốn quan trọng trong giai đoạn đầu của DNKN. Nguồn vốn tự có ban đầu của các DNKN Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư và nguồn vốn khác.

Hai là, vốn hỗ trợ từ Chính phủ: Hỗ trợ tài chính của Chính phủ đối với các DNKN đổi mới sáng tạo thường thông qua việc thành lập các Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, vốn tài trợ nghiên cứu và phát triển, vốn vay ưu đãi, Quỹ Bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, các đề án, chương trình và các chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế… Vốn tài trợ không hoàn lại cho các DNKN đổi mới sáng tạo chủ yếu dành cho các dự án nghiên cứu và phát triển.

Ba là, vay ưu đãi: Khoản vốn này thường do Chính phủ triển khai thông qua các chương trình cho vay ưu đãi dành cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV) và DNKN thông qua các ngân hàng. Hiện tại, Quỹ Phát triển DNNVV quản lý vốn vay ưu đãi dành cho DNNVV.

Theo đó, DNKN phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được vay vốn tại Quỹ với mức vay tối đa là 30 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, thời hạn vay tối đa 7 năm. Trên thực tế, do có những quy định khắt khe từ phía ngân hàng và Chính phủ nên các khoản vay ưu đãi này chưa phát huy được hiệu quả tối đa.

Bốn là, vốn vay ngân hàng thương mại: Thời gian qua, một số ngân hàng như Vietinbank, VP Bank và BIDV đã công bố các chương tình tín dụng đặc biệt dành cho DNKN sáng tạo, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc vì còn nhiều rủi ro, vì không đủ nhân sự để thẩm định DNKN sáng tạo.

Chính phủ cũng đã lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng để tham gia bảo lãnh các khoản vay của các DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng sẽ trả nợ trong trường hợp DN vay vốn chậm trả nợ. Mặc dù, quỹ này đã hoạt động được 15 năm và trải khắp 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng hiệu quả của quỹ này cho tới nay vẫn chưa được kiểm chứng.

Năm là, vốn từ các Quỹ Đầu tư mạo hiểm: Đây là khoản vốn từ các Quỹ Đầu tư dành cho các DN đổi mới sáng tạo ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, chủ yếu đầu tư vào các công ty có tiềm năng đủ tốt, công nghệ sáng tạo và có triển vọng phát triển.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay có khoảng 40 Quỹ Đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Các quỹ ngoại điển hình là IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube. Các quỹ đầu tư này sẵn sàng bỏ vốn nếu DN có nền tảng về nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn vốn này còn rất hạn chế do mức độ uy tín, tin cậy của các DN chưa cao.

Sáu là, vốn từ các nhà đầu tư thiên thần: Nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư vào giai đoạn có ý tưởng đến bắt đầu hoạt động để DNKN đổi mới sáng tạo có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường và bắt đầu bán thử sản phẩm trên thị trường. Trong những năm gần đây, hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam có tính hệ thống, chuyên nghiệp hơn thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp như: VIC Impact, Hatch Angel Network, iAngel Vietnam hay Angel4us.

Bảy là, nguồn vốn khác: Ngoài các nguồn vốn trên, DNKN đổi mới sáng tạo ở nước ta cũng có thể huy động vốn từ một số nguồn vốn khác như: Tài trợ đám đông và vốn hóa thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng; huy động vốn cộng đồng theo hình thức nhận quà tri ân; vay ngang hàng hoặc thông qua những hình thức huy động vốn mới từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.