Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Kết quả khảo sát nhanh động thái 700 doanh nghiệp Việt Nam trên toàn quốc được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 26/12 cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 được các doanh nghiệp cảm nhận là tốt hơn so với 2012.

Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh
Tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 được các doanh nghiệp cảm nhận là tốt hơn so với 2012. Nguồn: internet
Đặc biệt, các doanh nghiệp dự cảm, sản xuất, kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thực sự hiệu quả.

Báo cáo cho biết, có 50,7% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, 42,5% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo báo cáo, doanh số thực thấy năm 2013 có cải thiện so với 2012, tuy nhiên mức cải thiện này chưa đáng kể và thấp hơn nhiều so với dự cảm của doanh nghiệp tại thời điểm khảo sát cuối năm 2012. Các doanh nghiệp dự cảm doanh số năm 2014 sẽ tiếp tục được cải thiện rất lớn so với 2013.

Khảo sát cũng cho thấy, giá bán bình quân năm 2013 giảm so với 2012 và mức giảm giá diễn ra ở nhiều doanh nghiệp hơn so với dự cảm cuối năm 2012.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Chuyên viên Viện Phát triển doanh nghiệp, xu hướng giảm giá bán có thể do doanh nghiệp sử dụng các biện pháp giảm giá bán, tăng chiết khấu để giải quyết lượng hàng tồn kho đang tồn đọng. Tuy nhiên, lạc quan về giá bán bình quân trong năm 2014 sẽ có xu hướng tăng lên được các doanh nghiệp kỳ vọng.

Đặc biệt, cũng như kết quả khảo sát các kỳ trước, mức lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm vẫn có xu hướng giảm mạnh nhất trong các chỉ tiêu đánh giá kết quả tình hình sản xuất kinh doanh. Mức giảm lợi nhuận thực tế của năm 2013 diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và xu hướng này sẽ còn tiếp tục vào năm 2014 nhưng tốc độ chậm hơn. Xu thế giảm mạnh lợi nhuận là nguyên nhân chính gây lên sự ảm đạm của chỉ số động thái tổng hợp của tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2013.

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp thời gian qua nên dự cảm hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị sẽ tốt hơn rất nhiều, mọi nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả hơn so với 2013.

Cùng với đó, số lượng công nhân viên được dự cảm sẽ tăng lên trong năm 2014. Năng suất lao động bình quân có xu hướng được cải thiện rõ rệt. Đây là xu thế tất yếu bởi các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được tăng trưởng không thể dựa mãi vào yếu tố vốn mà phải dựa vào yếu tố năng suất lao động.

Tất cả các yếu tố tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh đều được các doanh nghiệp dự cảm sẽ được cải thiện vào năm 2014, do nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện, doanh nghiệp tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế trong nước và thế giới.

Một số chính sách chưa hiệu quả

Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận vốn vay năm 2013 được nhìn nhận khó khăn hơn so với 2012 dù lãi suất đã giảm 2-3% nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vấp phải rào cản về thủ tục vay vốn và các điều kiện được vay vốn. Báo cáo điều tra cho thấy, nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp có xu hướng tăng so với 2012. Tuy nhiên, vẫn có tới 34,8% doanh nghiệp không vay vốn, trong đó 40,5% doanh nghiệp trả lời vì lãi suất cao; 21,1% cho rằng thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% do đã tìm được kênh huy động vốn khác. Chỉ 2,7% là do đang có nợ xấu nên không vay được vốn.

Theo kết quả khảo sát thực hiện trong tháng 12/2013, số doanh nghiệp phải vay ở mức lãi suất trên 12% là 32,7%, thấp hơn rất nhiều mức 74,9% của năm 2012. Như vậy, việc giảm lãi suất đã tạo được điều kiện tốt cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn song vẫn còn 63,3% số doanh nghiệp cho biết sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất này dài hạn.

Đánh giá về tính hiệu quả của chính sách, có 60% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng, hiệu quả của các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ở mức bình thường trở lên, 40% đánh giá ở mức thấp.

Hỗ trợ về chính sách thuế là một trong những biện pháp truyền thống để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo được hiệu ứng nhanh nên thường được các doanh nghiệp đánh giá cao. Phần lớn các doanh nghiệp đánh giá giải pháp này là “có hỗ trợ tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Đối với giải pháp gia hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng doanh nghiệp: có 37,5% doanh nghiệp đánh giá “có hiệu quả cao và rất cao” và 22,9% doanh nghiệp đánh giá “thấp và rất thấp”.

Trong khi đó, các giải pháp về giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chính sách quản lý thị trường vàng miếng chưa được đánh giá cao. Có tới 42% doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả “thấp và rất thấp”.

Theo doanh nghiệp, các giải pháp này còn chung chung, chưa cụ thể. Bên cạnh đó, các giải pháp thị trường đôi khi chỉ có thể tác động đến một số nhóm doanh nghiệp hoặc ngành hàng cần sự hỗ trợ cụ thể và tác động của nó chưa thể có ngay lập tức.

Những giải pháp thuộc về vĩ mô như xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, quản lý chi ngân sách nhà nước, 3 đột phá chiến lược, tái cấu trúc nền kinh tế... bị đánh giá là “có hiệu quả bình thường” với 60% số doanh nghiệp cho ý kiến.

Trước bối cảnh trên, VCCI kiến nghị Chính phủ nên tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...