Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư vào dịch vụ tại Việt Nam

Theo TTXVN

Việt Nam được đánh giá là một trong những địa điểm đầu tư chiến lược của doanh nghiệp Nhật Bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, thay vì tiếp tục rót vốn vào các dự án công nghiệp chế tạo như trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ.

Gia tăng dự án đầu tư ngành dịch vụ

Năm 2016, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đạt kỷ lục là 549 dự án (cả cấp mới và tăng vốn). Trong đó, số dự án đầu tư ở lĩnh vực bán lẻ, khách sạn, dịch vụ ăn uống tăng gấp đôi so với năm trước.

Ông Takimoto Kojin, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đánh giá Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng tại khu vực châu Á, doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt đề cao tính ổn định về chính trị, xã hội của Việt Nam.

Động lực để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư, kinh doanh lĩnh vực hàng tiêu dùng và dịch vụ là do doanh thu của doanh nghiệp tăng, mức độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam cao.

Theo đó, hàng loạt hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ăn uống của Nhật Bản như Aeon Mall, Family mart, Ministop, Takashimaya… và sắp tới là 7– Eleven đang tích cực tiếp cận và gia tăng số lượng cửa hàng tại thị trường Việt Nam.

Cùng với việc phát triển hệ thống phân phối, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bắt đầu chú trọng tới việc sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu nội địa của người dân Việt Nam.

Ông Teramoto Ryohei, chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, phát triển dịch vụ là xu hướng tất yếu sau khi đã phát triển cơ bản ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Với tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức khá cộng với lợi thế về dân số đông, trẻ, năng động, Việt Nam đang là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, việc đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng và dịch vụ tốn ít vốn và tận dụng được nhiều lợi thế của Việt Nam. Cụ thể, tầng lớp trung lưu, thành đạt tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng; thu nhập được cải thiện cũng giúp người dân Việt Nam mạnh tay chi tiêu hơn.

Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm tới các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao vốn là lợi thế của doanh nghiệp Nhật Bản.

Đầu tư vào công nghiệp chế tạo chững lại

Ngược lại với xu hướng đầu tư vào sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ, số dự án đầu tư trong khối chế tạo của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lại sụt giảm đáng kể (từ 30% xuống còn 20% tổng số dự án đầu tư mới).

Các doanh nghiệp Nhật Bản lý giải, trong ngành công nghiệp chế tạo, chi phí nhân công và nguyên vật liệu, linh kiện chiếm tới 80% tổng chi phí sản xuất. Trong khi đó, mức lương tối thiểu tại Việt Nam trong những năm qua không ngừng được nâng lên, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp từng lựa chọn đầu tư vào Việt Nam vì lợi thế giá nhân công rẻ.
Bên cạnh đó, khả năng cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện nội địa của Việt Nam chỉ mới đáp ứng được từ 20-30% nhu cầu các doanh nghiệp chế tạo của Nhật Bản, làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá thành nguyên vật liệu trong sản xuất.
Theo ông Teramoto Ryohei, việc thu hút đầu tư vào phát triển dịch vụ không phải là nguyên nhân chính khiến giảm sút số lượng doanh nghiệp và dự án đầu tư vào công nghiệp chế tạo, bởi việc phát triển dịch vụ chủ yếu thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi công nghiệp chế tạo thường là thế mạnh của các tập đoàn, nhà đầu tư có quy mô và vốn khá lớn.
Tình hình kinh tế Nhật Bản chững lại trong những năm gần đây khiến các doanh nghiệp lớn của nước này dè dặt hơn trong việc lựa chọn các dự án để đầu tư. Mặt khác, điều kiện về nhân công, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật của đối tác là những yếu tố tác động lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo các nhà đầu tư, để có thể cùng lúc thu hút đầu tư vào cả dịch vụ và công nghiệp chế tạo, Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện trình độ kỹ thuật và tay nghề của lao động.
Một trong những giải pháp được các chuyên gia Nhật Bản gợi ý là lựa chọn một số lao động ưu tú, có khả năng nắm bắt khoa học kỹ thuật gửi sang Nhật Bản đào tạo. Những người này khi về nước sẽ truyền lại những kiến thức, kỹ năng đó cho nhiều lao động khác.
Ông Takimoto Koji thì cho rằng, Việt Nam cần tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện nội địa, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất, đồng thời, cần hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vì đây là những đơn vị phục vụ đắc lực cho phát triển công nghiệp chế tạo.