Doanh nghiệp tìm thấy cơ hội từ những “tấm vé thông hành”

Theo Vy Vy/vneconomy.vn

"Hội nhập có rủi ro, có khó khăn, nhưng rủi ro lớn nhất là không hội nhập thì không phát triển. Chúng ta chọn con đường hội nhập, chấp nhận khó khăn để phát triển", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau 10 năm là thành viên của WTO, đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó, 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi.

Doanh nghiệp ủng hộ các FTA

Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 66% trong tổng số 10.000 doanh nghiệp Việt Nam được hỏi ủng hộ và tin vào những lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại cho họ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI khiêm tốn hơn, chưa tới 30%.

Các FTA thế hệ mới sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng được coi là "tấm vé" thông hành để các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hơn trước các FTA. Cụ thể: có 83% doanh nghiệp biết về EVFTA; 93,78% doanh nghiệp biết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN; 97,35% doanh nghiệp biết về WTO và 77,8% doanh nghiệp biết về Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Báo cáo điều tra được Tổng cục Thống kê thực hiện gần đây cũng chỉ ra một kết quả tương tự. Có tới 83,9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia các FTA quốc tế (trong đó 53,3% rất ủng hộ, 30,6% doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo lắng); 2,9% doanh nghiệp cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được; 12,6% doanh nghiệp không có ý kến và chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Tổng hợp và Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. "Đó là một trong những nguyên nhân khiến khu vực doanh nghiệp tin tưởng và ủng hộ vào ký kết FTA", ông Dương nhận định.

Ứng xử ra sao

Cơ hội để gia tăng cơ hội từ các FTA với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam là có song ở chiều ngược lại, những thách thức đến từ các FTA cho doanh nghiệp Việt Nam cũng khá lớn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU...

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, các FTA cũng đã có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể; 81,1% số doanh nghiệp đánh giá có bị ảnh hưởng bởi FTA với cộng đồng kinh tế ASEAN, con số này với FTA Việt Nam - Nhật Bản là 69,1%; FTA Việt Nam - Hàn Quốc là 62,4%; FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu là 61%, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu 57.6% và các hiệp định khác là 5,6%.

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tìm ra các giải pháp để có cách ứng xử phù hợp, đứng vững trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh các FTA có hiệu lực.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI, khi các doanh nghiệp FDI có nhiều ưu thế về ưu đãi, về vốn và công nghệ… thì doanh nghiệp nội không có cách nào khác là buộc phải cạnh tranh để phát triển.

"Cùng một luật chơi nhưng doanh nghiệp ngoại ưu thế hơn hẳn, doanh nghiệp nội sẽ có những bất lợi trước mắt. Do đó, doanh nghiệp phải tự thay đổi cách quản trị, cải thiện chất lượng nguồn lực, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp", bà Trang khẳng định.

Trong khi đó, với những bất lợi này trong hội nhập, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng "hội nhập có rủi ro, có khó khăn, nhưng rủi ro lớn nhất là không hội nhập thì không phát triển. Chúng ta chọn con đường hội nhập, chấp nhận khó khăn để phát triển". Vì vậy, ông Thành khuyến nghị cần phải nghiên cứu sâu về cách chơi để "chơi tốt, chơi đẹp và chơi hiệu quả" ở cả góc độ doanh nghiệp cũng như quản lý Nhà nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, về mong muốn của doanh nghiệp từ Chính phủ/các cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các FTA, có tới 84,6% doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính; 69,4% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định; 55,3% doanh nghiệp muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài; 48,9 doanh nghiệp muốn có thông tin về thị trường trong nước.