Doanh nghiệp Việt, tìm cơ hội mới tại thị trường cũ

Theo Đầu tư CK

Thị trường Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) vốn từng là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi mối quan hệ truyền thống và sự khá “dễ tính”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thời gian vừa qua, các thị trường này chưa được khai thác đúng với tiềm năng của nó.

Doanh nghiệp Việt, tìm cơ hội mới tại thị trường cũ
DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thâm nhập vào thị trường Nga và các nước SNG

Cuối tuần qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức Hội thảo “Thị trường Nga và các nước SNG - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ”. Những thông tin từ phía cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam giúp DN nhận diện tương đối rõ những cơ hội và thách thức khi muốn thâm nhập vào thị trường này.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), Liên minh Thuế quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan là thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng, tăng trưởng GDP ổn định (5 - 6%/năm). Việc sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với liên minh thuế quan này sẽ giúp DN Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường này một cách đầy đủ và thuận lợi, với các điều kiện ưu đãi hơn so với đối tác khác, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của DN trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản… đối mặt với sự suy giảm sức cầu nghiêm trọng.

Còn theo ông Macxin Golikov, Tham tán thương mại Nga tại Việt Nam, năm 2012, kim ngạch thương mại song phương 2 nước dự kiến đạt 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này được đánh giá vẫn còn rất thấp. Quan trọng nhất là trên thị trường quốc tế, hai nước không cạnh tranh trực tiếp về thế mạnh xuất khẩu, do cơ cấu kinh tế khác nhau. Nga có thế mạnh về xuất khẩu máy móc, thiết bị, còn Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may, da giày và nông sản.

Theo tính toán sơ bộ, trong vài năm tới, sau khi là thành viên WTO, Nga phải hạ thuế nhập khẩu đối với hàng Việt Nam xuống 30 - 50% so với hiện nay. Một số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Nga sẽ được giảm mạnh như hàng điện máy giảm 7 lần, chè giảm 2 lần, thủy hải sản giảm 5 lần, đồ da giảm 12 lần. Nếu Việt Nam và Liên minh Thuế quan ký kết FTA thì các loại thuế đánh vào hầu hết chủng loại hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào khu vực này sẽ bằng 0%. Trong khi đó, Nga vẫn là thị trường truyền thống của Việt Nam và có nhu cầu ổn định đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam .

Ông Macxin Golikov cũng cho biết, theo tính toán của Nga, đến năm 2018, kim ngạch thương mại song phương có thể lên tới 12 tỷ USD. Để tận dụng hiệu quả những cơ hội sắp tới, DN cần có sự chuẩn bị cũng như tìm hiểu cách thức thâm nhập thị trường Nga, cũng như những cơ hội và thách thức đi kèm.

Ông Đặng Hoàng Hải lưu ý DN, thời điểm này, thị trường Liên minh Thuế quan không hẳn là một thị trường dễ tính và thường có đơn đặt hàng lớn, do vậy cần có sự chuẩn bị, tránh trường hợp đơn hàng vượt quá năng lực DN, dẫn tới việc phải vét hàng từ DN bạn hoặc các làng nghề, khiến chất lượng hàng hóa không đảm bảo.

Được biết, Nga và Việt Nam dự kiến bắt đầu đàm phán FTA vào quý I/2013 và cố gắng kết thúc đàm phán trong vòng 2 năm.

Nhận xét về cơ hội tại thị trường Nga và các nước SNG, đại diện CTCP Xuất nhập khẩu rau quả Tam Hiệp cho biết, thị trường này khá dễ tính đối với tiêu chuẩn hàng hóa, song do bối cảnh kinh tế khó khăn và sức ép cạnh tranh từ các DN trong nước, việc xuất khẩu của DN này đang giảm sút. Với các sản phẩm chủ lực như dưa chuột, quế hồi, cơm dừa, hạt tiêu, nếu như trước đây xuất khẩu đều đặn 1 tháng 1 container, thì nay cả năm chỉ còn khoảng 4 - 5 container. Nếu được giảm thuế sẽ giúp ích cho các DN Việt Nam trong sự cạnh tranh với Trung Quốc, bởi Trung Quốc đang có lợi thế hơn do giáp ranh với Nga, có thể sử dụng đường bộ để vận chuyển hàng hóa nên cước vận chuyển thấp. Trong khi DN Việt Nam đang phải chịu phí vận chuyển qua các cảng Nga cao gấp 30% so với các cảng chính ở châu Âu.

Đại diện một DN khác nhận xét, thị trường Nga có những rủi ro nhất định. Đơn cử trường hợp của DN này, khi xuất khẩu một lô hàng hạt tiêu, hai bên thống nhất không mở L/C để tiết kiệm chi phí, mà lựa chọn hình thức thanh toán trả trước một phần. Theo tập quán thì DN Việt Nam fax chứng từ hải quan sang, chờ đối tác thanh toán hết rồi mới gửi chứng từ gốc và chỉ khi có chứng từ gốc đối tác nhập khẩu mới lấy hàng về được, nhưng trong trường hợp này, chứng từ gốc DN vẫn giữ, song đối tác vẫn lấy được hàng và DN Việt Nam mất khoảng 40% giá trị đơn hàng không đòi được. DN này đánh giá thị trường Nga là thị trường tương đối rủi ro với những DN xuất khẩu nông sản nhỏ, có nhiều trường hợp khi giá hàng hóa xuống thấp, đối tác bỏ luôn đơn hàng, nhất là đối với hàng hạt tiêu, điều - những mặt hàng giá dao động hàng ngày.

Tuy nhiên, đại diện một DN khác cho rằng, cùng với việc giảm thuế và nếu DN có kinh nghiệm phòng ngừa rủi ro đặc thù của thị trường này, thì đây là thị trường tiềm năng, bởi dư địa thị trường lớn, tương đối dễ tính. Việc giảm thuế sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Hơn nữa, thị trường Nga liên thông với châu Âu, nên hàng hóa Việt Nam có cơ hội xuất hiện ở thị trường khác thông qua hoạt động kinh doanh của đối tác.

Dẫu vậy, cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường Nga vẫn chỉ ở dạng tiềm năng đối với hầu hết DN Việt nếu mức thuế suất thuế nhập khẩu vẫn giữ nguyên như hiện nay. Bởi vậy, việc đẩy nhanh ký kết FTA với Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan là điều được các DN quan tâm đến thị trường này rất trông đợi.