Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được “cởi trói” để mở rộng thị trường

Theo enternews.vn

Việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo đang đem lại sự lạc quan cho các doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, tiêu thụ liên tục gặp khó thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Còn nhiều “rào cản” với doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo

Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng. Sự gia tăng gần như liên tục này trong suốt hơn hai thập kỷ qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của người nông dân.

Theo Bộ Công Thương nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Banglades do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân (diện tiểu ngạch).

Bên cạnh đó, việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Thêm vào đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.

Cùng với đó, các chính sách được thiết kế cũng bộc lộ nhiều bất cập và không đạt được kết quả như kỳ vọng, trong đó có quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, góp phần đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa cho người nông dân.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “rộng cửa” kinh doanh

Chiều 4/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó giám đốc Sở Công Thương Long An – đánh giá, việc Bộ Công Thương ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo sẽ kịp thời tháo gỡ rào cản, giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo có điều kiện kinh doanh trong thời gian tới. Việc làm này sẽ giúp DN tập trung tìm kiếm thị trường để đủ điều kiện là được cấp phép.

Còn theo Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, ông Phan Kim Sa cho biết, hiện tỉnh Đồng Tháp có 11 DN xuất khẩu gạo và 13 DN có chi nhánh đóng trên địa bàn. Trước đây, tỉnh có nhiều đơn vị xuất khẩu gạo nhưng theo quy định cũ là chỉ cấp phép cho 150 đầu mối nên nhiều DN đã không được cấp phép xuất khẩu nữa (do không đủ điều kiện theo tiêu chí cũ). Những DN này sau đó đã buộc phải xuất khẩu qua ủy thác của một DN khác gây khó khăn cho DN. Đơn cử, Đồng Tháp có DN tư nhân Cỏ May làm gạo đặc sản tốt, nhưng lại không đủ điều kiện về kho chứa, vùng nguyên liệu… nên thời điểm đó, Cỏ May đã phải xuất khẩu qua trung gian tại Singapore. “Nay không còn hạn chế nữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ có sản phẩm tốt, có thị trường, có cơ hội xuất khẩu trực tiếp”, ông Phan Kim Sa vui mừng nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hưng Lâm – Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Lâm (An Giang) – cho biết, mấy năm nay, xuất khẩu gạo phải cạnh tranh rất khó khăn nên nhiều công ty dù sản xuất tốt nhưng lại không tìm được thị trường xuất khẩu. Do đó, quyết định của Bộ Công Thương là hoàn toàn phù hợp, tạo thuận cho DN. Ông Lâm thông tin, hiện có nhiều doanh nghiệp có giấy phép nhưng không có hợp đồng, thị trường, còn các đơn vị có hợp đồng, có thị trường thì lại không cấp phép nên việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy định này giống như “cởi trói” cho các DN, tạo điều kiện, động lực cho DN mở rộng thị trường.

Là DN xuất khẩu không nhiều nhưng khá ổn định qua thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH SXTM Phước Thành Bảy Mập (TP. Hồ Chí Minh) – phấn khởi cho biết, thời gian qua, chúng tôi không mở rộng thêm thị trường vì phải làm qua trung gian, tốn chi phí, lại phiền hà. Nay thủ tục “thông thoáng” hơn nên có thể chúng tôi sẽ đầu tư mạnh hơn nhằm tăng xuất khẩu trong thời gian tới.