Độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế

Theo tapchicongsan.org.vn

(Tài chính) Hội nhập quốc tế những thập niên qua là thuật ngữ xuất hiện khá nhiều trong đời sống kinh tế - chính trị ở nước ta. Hội nhập quốc tế được hiểu như quá trình mở cửa tham gia đời sống kinh tế - chính trị quốc tế, cũng như quá trình thế giới đến với Việt Nam, nghĩa là chúng ta vươn ra gắn bó sâu, rộng với thế giới và ngược lại.

Độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hội nhập được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế là lĩnh vực có sự phát triển sôi động hơn cả. Hội nhập kinh tế quốc tế được xem là sự phát triển cao của phân công lao động quốc tế; là quá trình phối hợp mang tính chất liên quốc gia giữa các nước độc lập, có chủ quyền trong một hay nhiều hiệp định kinh tế - thương mại.

1. Một thực tế là hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều cơ hội về vốn, công nghệ, thị trường, nguồn nguyên nhiên, vật liệu, cách thức tổ chức và quản lý sản xuất hiện đại,… Song hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc du nhập mặt trái của kinh tế thị trường, trong việc mở rộng sự cạnh tranh, đặc biệt đặt ra nguy cơ về sự phụ thuộc đối với các nền kinh tế đang phát triển vào các trung tâm kinh tế lớn, về nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội… Thực tiễn phát triển của không ít quốc gia, trong đó đáng chú ý là các quốc gia Đông Âu đã cho thấy điều này.

Như vậy, hội nhập trong thế giới toàn cầu hóa là điều kiện và cơ hội cho phát triển. Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra những thách thức, thậm chí rủi ro nếu như không có lộ trình hội nhập phù hợp. Nếu quá phụ thuộc vào bên ngoài sẽ dẫn đến bất ổn nền kinh tế, thậm chí sụp đổ. Chính vì vậy, độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng với các nền kinh tế dân tộc, song việc có thực hiện được hay không tùy thuộc vào nội lực và với quan điểm chiến lược hội nhập phù hợp của mỗi quốc gia.

2. Việt Nam trong quá trình mở cửa, hội nhập, đã và luôn chú ý sự độc lập, tự chủ. Tính độc lập, tự chủ của Việt Nam thể hiện trước hết trong việc xác định đường lối hội nhập nhất quán.

Trước khi Nhà nước Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, việc tham gia tiến trình kinh tế thế giới của chúng ta chịu sự chi phối của chủ nghĩa thực dân, đó thực chất là quá trình bị động. Sau năm 1945, do bối cảnh chính trị chi phối, việc hội nhập của Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu quan hệ với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, mà đáng chú ý là việc tham gia vào Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Từ khi đổi mới, việc hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta ngày càng rộng mở và sâu sắc hơn, gắn với tiến trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và trong quá trình này, Đảng ta đã luôn chủ động và độc lập trong đường lối hội nhập.

Đại hội VI đánh dấu quá trình đổi mới chuyển sang cơ chế thị trường, thực hiện chuyển hướng chiến lược trong kinh tế đối ngoại. Đại hội VI đã chỉ rõ phải “gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết mối quan hệ giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có chính sách bảo vệ sản xuất nội địa”. “Phải tham gia sự phân công lao động quốc tế,… tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi”(1). Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã khẳng định phải khai thông quan hệ với các tổ chức kinh tế quốc tế; và Hội nghị Trung ương 7 khóa VII chỉ rõ: “từng bước tham gia các hội, các tổ chức kinh tế thương mại thế giới và khu vực”.

Như vậy, tinh thần hội nhập gắn kết nền kinh tế dân tộc với nền kinh tế thế giới đã rõ, tuy nhiên phải đến Đại hội VIII, thuật ngữ hội nhập mới chính thức được đề cập đến. Nghị quyết Đại hội VIII nhấn mạnh: “Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”(2). “Điều chỉnh cơ cấu thị trường để vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa ta và các đối tác. Chủ động tham gia thương mại thế giới, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp”(3).

Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đề ra chủ trương “phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững” và tháng 11-2001, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội Đảng lần thứ X tiếp tục khẳng định “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, đồng thời “mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác”, nhấn mạnh chủ động và tích cực hội nhập kinh tế, còn đối với các lĩnh vực khác tiếp tục chủ trương mở rộng hợp tác.

Đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta xác định “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Chủ trương hội nhập quốc tế đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị ngày 10-4-2013. Hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực tạo cho chúng ta khả năng tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa hội nhập trong từng lĩnh vực. Hội nhập kinh tế quốc tế được xem là lĩnh vực trọng tâm.

Sự tiến triển trong chủ trương tham gia hội nhập gắn liền với kết quả phát triển kinh tế của nước nhà những năm đổi mới; đồng thời, gắn liền với nhận thức về vai trò của hội nhập, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Đó chính là cơ sở để ta chủ động và nhất quán trong hội nhập.

3. Đường lối hội nhập độc lập, tự chủ đã tạo cơ sở cho chúng ta độc lập và tự chủ quyết định quá trình hội nhập trong thực tế. Chúng ta đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, chủ động trong bước đi và lựa chọn thời điểm và cơ chế trong tham gia hội nhập.

Trước hết, Việt Nam chủ động đổi mới, từng bước mở cửa, thực hiện tự do hóa thị trường, cùng với đó là xây dựng hệ thống các quy định làm cơ sở cho thúc đẩy hội nhập.

Thứ hai, thực hiện mở rộng các hoạt động hợp tác giao lưu kinh tế - thương mại với các đối tác, ký kết các hiệp định thương mại và hợp tác đầu tư song phương,… với các quốc gia. Tính đến năm 2013, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với trên 180 nước thuộc tất cả các châu lục và lần đầu tiên trong lịch sử có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thứ ba, thúc đẩy và tham gia hội nhập đa phương. Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán gia nhập ASEAN vào năm 1995, tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, cùng các thành viên ASEAN thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhằm biến ASEAN thành một thị trường có cơ sở sản xuất chung. Bên cạnh đó, Việt Nam cùng với các thành viên ASEAN thực hiện liên kết, hợp tác với các đối tác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… và tham gia các cơ chế liên kết Đông Á.

Việt Nam cũng đã độc lập, tự chủ lần lượt tham gia hai diễn đàn hợp tác kinh tế liên khu vực quan trọng là Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) (năm 1996) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (năm 1998). Từ năm 1994, Việt Nam đã chủ động đề xuất việc gia nhập GATT (từ ngày 01-01-1995 chuyển thành WTO). Sau hơn 10 năm đàm phán, ngày 11-01-2007, Việt Nam chính thức là thành viên của WTO. Việt Nam cũng đã nối lại quan hệ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).

4. Hội nhập với các tổ chức quốc tế nhưng chúng ta cũng chủ động tham gia hình thành các luật chơi và thực thi các luật chơi theo hướng cùng có lợi. Đáng chú ý trong quá trình hội nhập ASEAN, mặc dù là thành viên vào sau, song chúng ta đã chủ động thúc đẩy quá trình hợp tác trong ASEAN thông qua các sáng kiến đề xuất về cơ chế và các lĩnh vực hợp tác, xây dựng những quy định chung, tích cực tham gia vào tất cả các hội nghị và có những đóng góp rất lớn vào những quyết định chung của khối ASEAN. Việt Nam đã đóng góp tích cực trên những lĩnh vực quan trọng, góp phần duy trì đoàn kết trong khối ASEAN cho các mục tiêu chung; trực tiếp đóng góp vào lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương, đưa ASEAN đến năm 2015 trở thành một cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn bó, liên kết chặt chẽ về kinh tế và cùng nhau vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực. Trong nỗ lực nâng cao và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ nội khối và ASEAN với các đối tác nhằm tạo sức mạnh chung ứng phó với những thách thức (thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính,…), các nước đánh giá cao vai trò đậm nét của Việt Nam, tạo nên một dấu ấn Việt Nam trong ASEAN.

Đối với diễn đàn APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC. Nổi bật là nước ta đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-gô và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố,…) và đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC (Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban Quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 - 2013). Việt Nam đã đề xuất và triển khai thành công sáng kiến đầu tiên của APEC về tìm kiếm và cứu hộ trên biển; đồng thời, tổ chức một số hoạt động khác như Cuộc họp Nhóm chuyên gia APEC lần thứ 40 về công nghệ năng lượng mới và có thể tái tạo (Hà Nội, tháng 4-2013), Hội thảo về hòa mạng thủy điện và điện tái tạo (Hà Nội, tháng 4-2013), Cuộc họp Nhóm công tác về giao thông - vận tải lần thứ 37 (Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-2013), Hội thảo APEC về duy trì sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh thiên tai lớn (Hà Nội, tháng 5-2013) (4).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động trong các quan hệ song phương và đa phương, tham gia hoạt động của các định chế kinh tế - tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng trong thời gian qua, việc chính trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta là thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó chủ yếu là các cam kết về thực hiện những chuẩn mực mà chúng ta đã chấp nhận khi gia nhập. Song song với quá trình này là các hoạt động cùng các nước thành viên xây dựng các chuẩn mực mới. Nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là hạn chế về thế và lực, mức độ tham gia của nước ta trong các hoạt động này còn thấp.

5. Với đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã đưa nền kinh tế dân tộc từng bước hòa nhập nền kinh tế thế giới. Thực tế, chúng ta đã tận dụng được những cơ hội do mở cửa hội nhập đưa lại, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế trong những năm đổi mới vừa qua, đưa nước ta trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, bên cạnh đó là thành tích ấn tượng về giảm đói, nghèo, ổn định xã hội và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần thấy là sau gần 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, vấn đề độc lập tự chủ trong kinh tế cũng đang trở thành mối quan ngại. Mở cửa hội nhập kinh tế để tăng trưởng, song mức độ mở cửa, mức độ hội nhập gắn kết thực sự vào chuỗi giá trị tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam còn yếu. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng với tiến trình mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chỉ sau một đến hai thập niên về cơ bản họ đã hoàn thành quá trình tự do hóa và hội nhập gắn kết với nền kinh tế thế giới, trở thành những nền kinh tế lớn, với các công ty tên tuổi và có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ và quy mô sản xuất.

Sau gần 3 thập niên đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn quá yếu, năng suất lao động quá thấp, hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng thuộc diện thấp nhất trong khu vực. Hiện năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu các sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa quá thấp, không đáp ứng được mục tiêu đặt ra khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp.

Về nội địa hóa, một ví dụ đáng chú ý là trong 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0 tại 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Những dự án do Việt Nam làm tổng thầu tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ đạt 25%. Hay chương trình phát triển ngành công nghiệp ô-tô cũng có thể nói là không thành công, sau bao năm chủ yếu vẫn là nhập thiết bị, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp (5).

Về trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp nước ta (chủ yếu là các doanh nghiệp dân doanh) đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ; có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang… Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%, trong khi đó ở Xin-ga-po là 73%, Ma-lai-xi-a là 51% và Thái Lan là 31% (tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60%) (6). Tình trạng này hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Mở cửa thị trường hiện nay của Việt Nam là khá cao so với khu vực… Điều này cho phép tranh thủ nguồn lực bên ngoài nhưng cũng rất dễ bị tác động bởi các biến động của thị trường quốc tế, nhất là khi nguồn lực của ta còn có hạn. Cho đến nay, như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ta hiện không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào. Mặc dù chủ trương đa dạng hóa thị trường đã rất rõ, và đặc biệt chủ trương này được đẩy mạnh từ năm 2010, song hiện tại có một số thị trường tỷ lệ xuất nhập khẩu của ta khá cao. Chẳng hạn, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc hiện khoảng 10 tỷ USD, tương đương 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013. Trong khi đó, 23% hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam là từ thị trường Trung Quốc. Đây là mức nhập siêu khá cao và với quy mô khá lớn từ một thị trường. Một khi có biến động sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói: “Việc này có phụ thuộc hay không, có độc lập hay không... của nền kinh tế, chúng ta cần phải tính toán”. Và trong phát biểu tại Quốc hội về nhiệm vụ năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng cũng đã nêu các mục tiêu cơ bản về GDP, lạm phát… ; đồng thời, nhấn mạnh trong năm 2015 nhiệm vụ tăng cường tính tự chủ, độc lập của nền kinh tế để tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường xem như một trọng tâm.

6. Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm gia tăng độc lập tự chủ, khắc phục những vấn đề đặt ra trong quá trình hội nhập vừa qua, cần chú trọng một số công việc chủ yếu sau:

- Thứ nhất, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu. Chủ trương đã có nhưng có thể thấy quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong những năm qua còn chậm. Việc tái cấu trúc qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế sẽ gia tăng sức cạnh tranh, tạo lợi thế trong hội nhập.

- Thứ hai, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững. Chiến lược thị trường cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược sản phẩm và xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm hàng hóa trong nước.

- Thứ ba, cần quy định chặt chẽ và mạnh dạn trong đổi mới công nghệ. Đi liền với quá trình du nhập công nghệ, cần tăng nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, nhằm từng bước nghiên cứu phát triển, tiến tới tự chủ dần về công nghệ.

- Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, có như vậy chúng ta mới chủ động tham gia các công việc của cộng đồng khu vực và quốc tế, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác, đề xuất sáng kiến, đóng góp chủ động và tích cực vào quá trình xây dựng thể chế, điều tiết quá trình hội nhập.

- Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích nguồn lực nội tại nhưng phải tiếp cận được cái chung của thế giới, thực chất là cải cách nền hành chính theo hướng hiện đại, hoàn thiện thể chế quản lý nhằm gắn kết các nguồn lực, tạo sức mạnh trong hội nhập./.