Đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập: Nhiều đơn vị đã chủ động được nguồn lực tài chính

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Sau hơn 6 năm thực hiện, chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước và cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập: Nhiều đơn vị đã chủ động được nguồn lực tài chính

Góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã thúc đẩy việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với năng lực chuyên môn và yêu cầu của vị trí công tác. Sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được giảm dần.

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động phân bổ nguồn tài chính của đơn vị phù hợp yêu cầu của nhiệm vụ và có điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Theo thống kê, tính đến năm 2012, hầu hết các Bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện chế độ tự chủ đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh và cấp huyện.

Trong đó, có 3 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Thuận) đã thực hiện chế độ tự chủ đối với 100% xã, phường, thị trấn. Cả nước có 25.631 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về tài chính (đạt 96,7%).

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhiều cơ quan, tổ chức đã tiết kiệm được kinh phí, tạo nguồn để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức. Mức chi trả thu nhập tăng thêm từ kinh phí tiết kiệm được ở các Bộ, ngành, địa phương tương đối khác nhau, bình quân khoảng vào khoảng từ 0,1 lần đến 0,5 lần mức tiền lương cấp bậc, chức vụ (đối với cơ quan nhà nước) và từ 0,5 lần đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị (đối với đơn vị sự nghiệp).

Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá cho thấy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần sớm được khắc phục, như: Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá; việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công, giữa cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp còn chưa rõ ràng.

Có một thực tế là hiện nay nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá cơ bản làm căn cứ xác định kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ làm cơ sở xác định kinh phí tiết kiệm được để chi tăng thu nhập, chi cho hoạt động phúc lợi của đơn vị theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; quyền tự chủ của thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn còn bị hạn chế; một số quy định về cơ chế đặc thù, đã tạo ra sự không bình đẳng về thu nhập giữa các cơ quan quản lý nhà nước...

Sẽ trao quyền tự chủ cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những mặt còn hạn chế của cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chính phủ đã và đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tự chủ đối với cơ quan nhà nước, từng bước khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; bảo đảm sự bình đẳng, hợp lý về thu nhập trong cơ quan nhà nước; thúc đẩy cải cách hành chính, gắn với chất lượng dịch vụ hành chính công.

Triển khai, thực hiện Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 06/3/2012 thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị, trong đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, như: Đổi mới về phương thức đầu tư của NSNN, thực hiện chuyển đổi từ việc giao dự toán NSNN như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Chuyển dần từ phương thức cấp phát trực tiếp sang cấp phát cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ công.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý; thực hiện minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công,… Xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, về cơ chế tài chính, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương lựa chọn và giao nhiệm vụ cho một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng Đề án thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên hoặc theo phương án Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trong năm 2013.

Các đơn vị được lựa chọn thí điểm dự kiến sẽ là các đơn vị sự nghiệp  điển hình đã thực hiện tốt cơ chế tự chủ thời gian vừa qua, đã sẵn sàng thực hiện thí điểm với đội ngũ chuyên môn, quản lý vững. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thực hiện thí điểm trong từng lĩnh vực cụ thể.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, cùng với việc đổi mới về cơ chế, nguồn lực tài chính công sẽ được phân phối một cách công khai, minh bạch hơn, sử dụng hiệu quả hơn, đồng thời, sẽ phát huy vai trò của Nhà nước trong việc sử dụng các công cụ tài chính, ngân sách để tập trung ưu tiên phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực.