“Đón đầu” thời cơ từ Nhật Bản

Theo ven.vn

(Tài chính) Tận dụng những lợi thế đến từ mối quan hệ chặt chẽ và có chiều sâu với Nhật Bản, Việt Nam đã và đang đề ra những giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản xung quanh vấn đề này.

“Đón đầu” thời cơ từ Nhật Bản - Ảnh 1
Ông Đoàn Xuân Hưng
P
hóng viên: Là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, xin ông cho biết một số nét chính về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2013?

Ông Đoàn Xuân Hưng: Trong suốt thời gian qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, từ ODA, đầu tư đến thương mại, lao động, du lịch… Riêng quan hệ thương mại, năm 2013, dù đồng Yên mất giá, kinh tế khó khăn nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Nhật Bản vẫn đạt khoảng 26 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ hội tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước còn rất nhiều, không chỉ giữa các Bộ ngành, doanh nghiệp (DN) hai bên mà còn cả giữa các địa phương. Bởi lẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu 26 tỷ USD vẫn là con số quá nhỏ bé nếu so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản. Với quan hệ song phương tốt đẹp giữa 2 nước, trong vài năm tới, nếu tận dụng tốt cơ hội, tôi nghĩ rằng việc đạt đến con số 30 hay 50 tỷ USD không phải là việc quá khó khăn.

Mặc dù có nhu cầu lớn nhưng thị trường Nhật Bản lại có yêu cầu khá khắt khe, đặc biệt về chất lượng hàng hóa. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?

Đúng là Nhật Bản có yêu cầu rất lớn về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, thậm chí, có những yêu cầu còn lớn hơn châu Âu. Khi xuất khẩu vào thị trường này, ta cũng đã từng vấp phải những rào cản thương mại về chất lượng hàng hóa, ví dụ như tôm xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dư lượng kháng sinh. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đây là câu chuyện 2 chiều. Một mặt, Nhật Bản rất chú ý đến các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, khi ta đã đảm bảo được vấn đề này, hàng hóa của ta sẽ vào Nhật Bản dễ dàng và đây thực sự là thị trường màu mỡ cho hàng xuất khẩu của ta. Do đó, để giải quyết vấn đề này, DN xuất khẩu phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật và có những giải pháp kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu có chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn mà quốc gia này đặt ra.

Bên cạnh đó, DN xuất khẩu phải liên kết chặt với các nhà phân phối sản phẩm của mình ở Nhật Bản như một kênh quảng bá, giới thiệu và chứng nhận chất lượng sản phẩm bởi nếu họ nói, người dân Nhật Bản sẽ dễ dàng chấp nhận các sản phẩm hơn chính bản thân DN tự nói rất nhiều.

Về phương diện sứ quán, chúng tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất nhiều về vấn đề này. Việc đẩy mạnh chất lượng hàng hóa là điều đương nhiên, tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng tôi phải làm việc với các đối tác Nhật Bản nhằm đấu tranh, đàm phán, ký thỏa thuận giữa 2 bên để họ không đặt ra quá nhiều rào cản với hàng hóa của chúng ta. Mặt khác, cũng phải chia sẻ để họ thông cảm với ta nhằm tạo nên sự tin cậy, hợp tác.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2013, đâu sẽ là những giải pháp sẽ được triển khai trong năm 2014, thưa ông?

Năm 2014, để tăng cường quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, chúng tôi sẽ tập trung vào nhiều nhóm giải pháp. Thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang có dự định phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa DN tham gia Hội nghị thương mại về hàng nông lâm thực phẩm năm 2014. Hội nghị này sẽ được làm quy mô hơn những năm trước nhằm tạo cơ hội cho DN Việt Nam tìm kiếm đối tác, bạn hàng để đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng hóa nông lâm thủy sản – nhóm hàng Việt rất được thị trường Nhật Bản ưa chuộng.

Thứ hai là thực hiện mạnh hơn công tác xúc tiến thương mại giữa Bộ Công Thương và các địa phương Nhật Bản để có cơ hội giới thiệu những sản phẩm tốt của chúng ta. Thứ ba là đẩy mạnh cung cấp thêm thông tin vì thông tin của ta tại thị trường này còn rất thiếu. Thứ tư là ngoài việc xúc tiến thương mại giữa các Bộ, ngành và DN, thời gian tới, ta sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại giữa các địa phương hai nước.

Một điểm cần lưu ý với các DN Việt Nam xuất khẩu là các DN phải theo sát diễn biến thị trường. Đại sứ quán và các Thương vụ sẽ tăng cường thông tin những mặt hàng thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu để DN xuất khẩu biết, tiếp cận và giới thiệu sản phẩm. Làm tốt việc này, tôi tin chắc kết quả thương mại song phương giữa hai quốc gia trong thời gian tới sẽ thu được nhiều kết quả tốt hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!