Đón khách quốc tế không chỉ là tiền

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong du lịch, đón khách quốc tế là ngành xuất khẩu tại chỗ, là ngành công nghiệp không khói nhưng vấn đề không chỉ là tiền mà quan trọng hơn, đây là hình thức giới thiệu hình ảnh của đất nước một cách trực tiếp nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mặc dù quy mô xuất khẩu dịch vụ du lịch của Việt Nam tuy không lớn như một số nước (lên tới trên dưới 10% GDP), nhưng cũng thuộc loại khá, bằng khoảng 4% GDP, chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam.

Về đích trước 2 năm

Lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam năm 2014 có lẽ chỉ thua lượng kiều hối (12 tỷ USD), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện (12,35 tỷ USD). Lượng ngoại tệ này đã góp phần làm cho cán cân thanh toán tiếp tục có số dư, tăng dự trữ ngoại  hối, ổn định tỷ giá…

XUẤT KHẨU DỊCH VỤ DU LỊCH 2005- 2014 (tỷ USD)

Đón khách quốc tế không chỉ là tiền - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Khách quốc tế đến Việt Nam còn tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn công ăn việc ở trong nước, không chỉ  ở các cửa khẩu, sân bay, các resort..., các đô thị, mà còn cả ở vùng sông nước, vùng sâu, vùng xa, những điểm tham quan- du lịch mới được phát hiện, khai thác, qua đó đánh thức tiềm năng ở nhiều vùng.

Mặc dù lượng ngoại tệ mà khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu là không nhỏ, nhưng việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chắc chắn không chỉ là vấn đề tiền bạc. Điều quan trọng hơn cả tiền bạc, đó là cơ hội để Việt Nam giới thiệu hình ảnh đất nước mình với nước ngoài, một cách trực tiếp nhất, có tính thuyết phục nhất và về nhiều mặt nhất.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 đạt trên 7,87 triệu lượt người, đông nhất từ trước tới nay, tăng gần như liên tục qua các năm, chỉ bị “ngắt quãng” (giảm) vào 2 năm (1998 và 2009) do bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế khu vực và thế giới.

Ước năm 2014 so với năm 1995, số khách quốc tế đến Việt Nam đã đông gấp trên 5,8 lần, tăng trên 9,7%/năm. Bình quân 100 người dân, nếu năm 1995 mới đón chưa được 2 khách quốc tế, thì năm 2014 đã đón được gần 9 khách, trong đó, khách đến với mục đích du lịch đạt mức cao nhất (60,5%), tiếp đến là lượng khách về thăm thân nhân (chiếm 17,1%), khách đến vì công việc (chiếm 16,8%), đến vì mục đích khác (chiếm 5,6%).

Số tiền chi tiêu bình quân 1 lượt khách đã tăng khá, từ 661,4 USD (năm 2005) lên 934 USD (năm 2010), lên 994,4 USD (năm 2013), ước năm 2014 khoảng 927,1 USD.

Cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam tập trung chủ yếu vào thuê phòng (chiếm 27,0%), tiếp đến là ăn uống (22,2%), đi lại (17,4%), mua hàng hoá (13,3%), thăm quan (7,7%), y tế (1%), chi khác chiếm 10,4%.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch đã tạo ra sự phát triển mang tính bứt phá, đã đạt mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đặt ra cho năm 2015 trước 2 năm.

“Tuy nhiên cũng phải nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về khách quan và chủ quan. Ngành du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với sự giàu có, phong phú về tài nguyên tiềm năng du lịch của chúng ta về du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… chưa đạt được mong đợi của xã hội”, ông Tuấn nhìn nhận.

Kỳ vọng từ Nghị quyết mới

Thực tế, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn kém so với các quốc gia trong khu vực từ chuyện cấp và miễn thị thực cho du khách đến điều kiện giao thông, tiếp cận thông tin về các điểm đến… Cùng với đó, việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chúng ta cũng làm chưa tốt. Chính sách liên ngành liên vùng để phục vụ cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập.

Vì vậy, sự ra đời của Nghị quyết 92/NQ-CP  ngày 8/12/2014 của Chính phủ "về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới" được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm cố hữu của du lịch Việt Nam, nâng cao nhận thức, tăng cường sự liên kết liên ngành liên vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Từ đó, xây dựng các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch từ đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh đến cải thiện, củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, đường thủy, đường biển, đường bộ, đường sắt.

Với quan điểm tiếp cận coi DN là yếu tố trung tâm là động lực, là lực lượng quyết định để phát triển ngành du lịch, Nghị quyết yêu cầu các Bộ ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong các vấn đề về thuế, chính sách đối với các dự án du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch...

Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các điểm đến, gắn với đảm bảo an ninh an toàn cho du khách.

Cuối cùng là tập trung nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương, trong đó cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về du lịch phù hợp với hội nhập và những đổi mới của tình hình thực tiễn đang đặt ra.

Còn nhớ, sau Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch ban hành năm 1992, Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt cả về chất lẫn lượng và nhiều người hy vọng với sự ra đời của Nghị quyết 92 mới, ngành du lịch sẽ có bước nhảy vọt tiếp theo, phát triển tương xứng với tiềm năng văn hóa, danh thắng, tài nguyên thiên nhiên… của đất nước.