Đón sóng đầu tư: Quan trọng vẫn là nhân lực

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

Là một trong các nền kinh tế năng động và đang có tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất ở Đông Nam Á, nhiều dự báo cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư (NĐT) trong làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc và tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Nhưng năng lực đáp ứng của thị trường lao động có thể là một trở ngại.

Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư. Nguồn: internet
Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư. Nguồn: internet

Không để tụt hậu

Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực và cải tiến lớn trong đào tạo lao động và tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả trong đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động. Chính phủ Việt Nam xác định chất lượng nguồn nhân lực vừa là điểm nghẽn nhưng cũng vừa là đột phá chiến lược cần tập trung để thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Theo Chỉ số Vốn con người công bố gần đây của Nhóm WB, Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 nước. “Đây là thành tựu lớn và cho thấy Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong giáo dục phổ thông”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận xét.

Đón sóng đầu tư: Quan trọng vẫn là nhân lực - Ảnh 1
Một phần kết quả khảo sát trong Báo cáo “Chân dung nhân lực ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0” của Navigos Group

Nhưng để có được năng suất lao động (NSLĐ) cao hơn, việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nguồn vốn nhân lực là vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp và những tác động của các công nghệ mới cần được giải quyết tốt để Việt Nam tiếp tục đà phát triển.

Có thể thấy ngày càng nhiều các công nghệ sáng tạo kết hợp giữa máy tính, nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và dây chuyền tự động hóa được đưa vào sử dụng tại các nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Gia tăng hiệu quả sản xuất là điều thấy rõ, nhưng ẩn sau đó là nhu cầu giảm đi đối với lao động “con người”. Thực tế đó đòi hỏi người lao động cần được đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, qua đó có thể “theo” được với sự phát triển của công nghệ, cùng với công nghệ nâng cao NSLĐ, tạo ra thu nhập tốt hơn cho chính họ và rộng hơn là cho nền kinh tế.

Trong báo cáo “Chân dung nhân lực ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0” của Navigos Group công bố gần đây cho thấy dù sự chuyển dịch tự động hóa là điều tất yếu đối với tương lai của ngành sản xuất và sẽ có ảnh hưởng lớn tới công việc trong ngành sản xuất. Nhưng kiến thức chuyên môn của người lao động vẫn được coi là yếu tố cần thiết nhất trong tuyển dụng khi trả lời khảo sát có đến 67% DN cho biết họ sẽ từ chối tuyển dụng nếu ứng viên không có kiến thức chuyên môn.

CMCN 4.0 cần con người 4.0

Cải tiến mạnh mẽ hơn nữa giáo dục đào tạo được các chuyên gia nhìn nhận là mấu chốt để giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông Brian O'Reilly - Trưởng Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (thuộc Diễn đàn VBF), những kỹ năng cho những công việc mới trong CMCN 4.0 chỉ có thể đạt được bằng một hệ thống giáo dục hiện đại và hướng tới tương lai. Theo đó giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ luôn cần thiết cho việc phát triển tương lai của nền kinh tế cũng như khả năng tận dụng các cơ hội sẽ xuất hiện từ cuộc cách mạng này.

Trong khi đó, theo ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nhiều nghiên cứu cho thấy chương trình giáo dục ở Việt Nam chưa được cập nhật, giáo viên bị quá tải trong khi mức lương chưa tương xứng, sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng làm việc mà khu vực tư nhân kỳ vọng. Vì thế, để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao kỹ năng của LLLĐ, Chính phủ cần tiếp tục hành động để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống giáo dục quốc gia, nhất là ở cấp độ trường nghề và giáo dục đại học.

Trở lại câu chuyện về làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc và tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay mà Việt Nam có thể là điểm đến hàng đầu, ông Michael Kelly cho biết những công ty đang tìm hướng chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam ngoài việc đánh giá về tính ổn định và dễ dự báo của chính sách; mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh; khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng… thì điều mà họ cũng đang xem xét rất kỹ càng là liệu lực lượng lao động có những kỹ năng cần thiết đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.

“Mặc dù Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn rất khó để bước vào thời đại CMCN 4.0 do đặc thù tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động”, đây là nhận định được ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KorCham) đưa ra tại Diễn đàn VBF vừa qua. Vì vậy, điều quan trọng là Chính phủ phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và chuyên môn cần thiết cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, mặc dù việc này cần có thời gian và nguồn vốn.

Công nghệ và ý tưởng là những thành tố chính của CMCN 4.0. Nhưng công nghệ và ý tưởng lại là những yếu tố được tạo nên từ bàn tay con người. Hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong CMCN 4.0. Bởi thế, nếu chúng ta không nỗ lực tìm kiếm, xây dựng được những chính sách, giải pháp hiệu quả để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng thì hiển nhiên sẽ không có được chìa khóa vàng để mở “ổ khóa” công nghệ trong CMCN 4.0, qua đó đảm bảo thành công trong tương lai. Cũng vì thế, CMCN 4.0 sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu vắng những con người 4.0.