Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Cần thể chế đặc biệt và đột phá

Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Để các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) có thể cạnh tranh quốc tế trong thu hút đầu tư, trở thành các vùng động lực tăng trưởng kinh tế, có tác động lan tỏa trong cả nước, điều tiên quyết là phải có mô hình, thể chế đột phá, ưu đãi chuyên biệt và trao quyền tự chủ cao.

Phối cảnh tổng thể khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn. Nguồn: Internet
Phối cảnh tổng thể khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn. Nguồn: Internet

Chủ động kiến tạo mô hình phát triển

Việc xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế, đơn vị HCKTĐB là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tháng 3/2017, Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập 3 đơn vị HCKTĐB: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.

Theo đó, Luật Đơn vị HCKTĐB được xây dựng theo hướng mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách mới, bảo đảm vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế, đột phá cả về thể chế kinh tế và hành chính. Những cơ chế, chính sách này có thể vượt quy định của các luật hiện nay, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Việc xây dựng luật cũng nhằm mục tiêu bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới; chủ động xây dựng, kiến tạo mô hình đặc khu kinh tế mới, tạo môi trường đặc biệt hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch... để nâng cao sức cạnh tranh quốc tế trong thu hút đầu tư, tạo động lực mới nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế đất nước...

Vượt trội và cạnh tranh về thể chế kinh tế

Để việc xây dựng và phát triển đơn vị HCKTĐB phù hợp với định hướng, mục tiêu, lợi thế so sánh của từng khu, hạn chế tối đa sự phát triển tự phát, đơn vị HCKTĐB sẽ chỉ có một Quy hoạch tổng thể, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, quy định mới và mở của dự thảo luật là cho phép thuê tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài xây dựng quy hoạch đơn vị HCKTĐB để bảo đảm chất lượng và tầm nhìn dài hạn của quy hoạch.

Một trong những điểm đột phá về tư pháp là sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB. Dự thảo luật quy định nhà đầu tư được lựa chọn pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế để điều chỉnh hợp đồng dân sự, thương mại, kinh doanh có yếu tố nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác tại tòa án nước ngoài, loại trừ một số tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam.

Quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư được tôn trọng triệt để. Theo đó, Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư tại đơn vị HCKTĐB trong dự thảo luật được rút gọn xuống còn 108 (so với 243 ngành, nghề theo quy định của Luật Đầu tư), chỉ giữ lại một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Trung tâm hành chính công tại đơn vị HCKTĐB sẽ giải quyết các thủ tục đầu tư kinh doanhvà các thủ tục có liên quan đơn giản, nhanh gọn theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua hệ thống mạng trực tuyến.

Các chính sách ưu đãi đầu tư (thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, xuất nhập khẩu, đất đai, sử dụng đất…) quy định tại dự thảo luật hấp dẫn, linh hoạt, không cào bằng mà tập trung cho thu hút các dự án thuộc các ngành, nghề ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng và lợi thế so sánh của từng đơn vị HCKTĐB.

Để có sự cạnh tranh với những đặc khu kinh tế trên thế giới, cơ quan soạn thảo Luật đã đề xuất nâng thời hạn sử dụng đất so với quy định hiện hành (tối đa là 99 năm đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển và được Thủ tướng Chính phủ cho phép); cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước và từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Như vậy, xét trên 9 nhóm tiêu chí (chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh) thì nội dung quy định tại dự thảo luật hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar.

Đổi mới và đột phá về thể chế hành chính

Tại dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB.

Phương án 1, đề xuất đơn vị HCKTĐB không phải là cấp chính quyền địa phương nên không tổ chức HĐND và UBND. Thay vào đó là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính.

Đơn vị HCKTĐB được tổ chức các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới. Trưởng Khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng Đơn vị HCKTĐB, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.

Phương án 2, sẽ tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan đại diện hành chính của UBND đơn vị HCKTĐB; đơn vị HCKTĐB được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.

Có thể thấy, phương án 2 sẽ không gây xáo trộn nhiều so với tập quán tổ chức chính quyền địa phương hiện nay của nước ta, bên cạnh đó, sẽ đổi mới một bước cách thức tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, quy định này chưa tạo được bước đột phá và đặc biệt.

Tổ chức bộ máy và nhân sự chưa tinh gọn, vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể, có thể sẽ dẫn đến sự phức tạp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, gây chậm trễ, ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư; theo đó, chưa tương thích với tính chất đặc biệt của chính sách phát triển kinh tế xã hội (KT - XH) của đơn vị HCKTĐB, chưa tiệm cận với các kinh nghiệm tốt trên thế giới.

Trong khi đó, phương án 1 thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm ra quyết định nhanh nhạy, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển KT - XH của đơn vị HCKTĐB.

Đồng thời, quy định này cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 về chính quyền địa phương (Khoản 1 Điều 111) và nguyên tắc Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND, mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6).

Trưởng Đơn vị HCKTĐB là một thiết chế chứ không phải là một cá nhân. Có thể nói, đây là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW. Mô hình này cũng được tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế (như Khu hợp tác Tiền Hải thuộc Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc; thành phố quốc tế tự do Jeju của Hàn Quốc; thành phố Dubai của UAE).

Cơ chế vượt trội và đặc biệt, trao đủ quyền lực cho người đứng đầu đơn vị HCKTĐB, kèm theo cơ chế giám sát hiệu lực, hiệu quả sẽ là cú huých quan trọng, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của các đặc khu và kinh tế cả nước.